Indonesia thúc đẩy người dân ủng hộ hàng nội địa

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị toàn quốc về thương mại diễn ra ngày 4-3, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi người dân dùng hàng trong nước để hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ (SME) của nước này. Ông Widodo nhấn mạnh, phải làm sao để hơn 270 triệu người dân Indonesia ở thị trường lớn nhất Đông Nam Á thực sự trở thành người tiêu dùng trung thành với các sản phẩm nội địa.
Người tiêu dùng Indonesia được khuyến khích dùng hàng trong nước
Người tiêu dùng Indonesia được khuyến khích dùng hàng trong nước

Theo tổng thống Indonesia, cần có các chính sách và chiến lược mạnh mẽ tập trung vào phát triển thị trường cho các sản phẩm địa phương trong nước, nhất là trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Ông kêu gọi người dân nên tự hào về sản phẩm địa phương và ngành công nghiệp sử dụng các linh kiện địa phương thay vì nhập khẩu. Tổng thống Widodo đưa ra lời kêu gọi trên trong bối cảnh 29,12 triệu người lao động ở Indonesia đang chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, kể từ tháng 8-2020 đến nay. Trong số này có 4,33 triệu người mất việc làm, 24,03 triệu người bị giảm giờ làm và 760.000 người thuộc lực lượng lao động mới không thể tìm được việc làm.

Mục tiêu là thương hiệu địa phương hoặc sản phẩm của SME phải được trưng bày tại trung tâm thương mại ở những vị trí đẹp nhất, các thương hiệu nước ngoài có thể được trưng bày ở bên cạnh. Bên cạnh lời kêu gọi người dân “tránh xa” các sản phẩm nhập khẩu, Tổng thống Widodo cũng thông báo Indonesia sẽ ban hành một quy định để ngăn chặn tình trạng định giá trên các nền tảng thương mại điện tử, bao gồm cả hàng hóa Trung Quốc. Theo Reuters, động thái này là để đáp lại những lo ngại rằng, nhà sản xuất Trung Quốc đang sao chép sản phẩm do SME Indonesia thiết kế và bán chúng trên các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với giá gốc để “đè bẹp” nhà sản xuất trong nước.

Theo Bộ trưởng Thương mại Muhammad Lutfi, khi dùng trí tuệ nhân tạo để xác định những nhà cung cấp hàng tốt nhất, thì lại rất khó để khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), vì việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số vốn che khuất xuất xứ của hàng hóa. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là nhà đầu tư lớn của Indonesia, nhưng Jakarta liên tục phàn nàn về mức thâm hụt thương mại lớn. Theo số liệu của Bộ Thương mại Indonesia, mức thâm hụt trung bình hàng năm trong thương mại hàng hóa 6 năm qua là 14 tỷ USD. Bộ trưởng Lutfi cho biết, Indonesia sẽ đưa ra một biện pháp mới trong tháng này để ngăn chặn “các hành vi định giá có tính chất săn mồi” thông qua các nền tảng thương mại trực tuyến.

“Một lần nữa, năm 2021 là năm phục hồi phải dựa trên tinh thần lạc quan. Vì vậy, tôi đặc biệt yêu cầu các cấp của Bộ Thương mại không chỉ làm việc theo quy chuẩn. Phải có đột phá sáng tạo và phát triển lĩnh vực thương mại kỹ thuật số. Các quốc gia khác đã trải qua điều này rất nhiều và chúng ta không được trở thành nạn nhân của thương mại kỹ thuật số không công bằng” - Tổng thống Widodo nhấn mạnh. Ông cũng đặc biệt khuyến khích các quan chức giữ nguyên hướng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 5% trong năm nay.

Tin cùng chuyên mục