Từ năm 2007, 100% cán bộ công chức (CBCC) bộ ngành địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị (gồm cả tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp) phải kê khai tài sản, thu nhập. Qua 3 năm triển khai, việc kê khai tài sản CBCC vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Khó xử lý!
Thời gian qua, đã có không ít vụ việc cán bộ có tài sản lớn nhưng không kê khai hoặc bị “bỏ quên”. Điển hình như vụ ông Trần Thanh Tiến, TGĐ Công ty CP Du lịch Tiền Giang và ông Trần Văn Xê, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận. Ông Tiến và các con đứng tên đăng ký quyền sử dụng đối với 9 loại tài sản nhà, đất ở TP Mỹ Tho. Qua kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng tỉnh đã phát hiện trong hồ sơ lưu của ông Tiến không có bản kê khai về tài sản, không thể hiện số tài sản nêu trong lý lịch đảng viên. Trước đó, tỉnh Bình Thuận cũng phát hiện trường hợp cựu Giám đốc Sở Tư pháp Trần Văn Xê và vợ đã “quên” không kê khai đủ gần chục lô đất, 11 ha đất rừng, các phần hùn vốn kinh doanh cây xăng!
Theo ông Võ Văn Quận, Trưởng phòng Thanh tra chống tham nhũng, Thanh tra TPHCM, hiện nay chỉ có thể kêu gọi tinh thần tự giác của đối tượng là chính, có gian dối cũng khó biết, đến khi hồ sơ cần xác minh thì mới phát hiện được. Theo Nghị định 37 của Chính phủ về kê khai tài sản thu nhập, người kê khai không trung thực chỉ bị xử lý ở 4 mức: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch.
Đánh giá về hình thức xử lý kê khai, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng, hình thức xử lý hiện nay không tương xứng. Ông nói: “Hiện nay, không ai thống kê được có bao nhiêu bản kê khai là đúng sự thật”. Còn Tiến sĩ Nguyễn Đình Huấn, Ủy viên Hội đồng Dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ VN cho rằng rất khó xử lý khối tài sản không trung thực không được kê khai.
Theo ông, dù Luật Phòng chống tham nhũng quy định rõ cơ quan có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi, tịch thu tài sản tham nhũng nhưng Nghị định 37 lại không đề cập đến việc xử lý số tài sản hoặc thu nhập được xác minh có nguồn gốc không rõ ràng. Không thể khẳng định tài sản, thu nhập không có nguồn gốc rõ ràng là tài sản, thu nhập bất hợp pháp và chủ nhân của khối tài sản đó được xem là có hành vi tham nhũng được.
Công khai thông tin để người dân giám sát
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Huấn, ở một số nước, những thông tin liên quan đến tài sản, thu nhập cá nhân phải được khai rất chi tiết về nguồn gốc và số lượng. Khi điều tra, xác minh, nếu phát hiện các khoản thu nhập không kê khai có giá trị lớn nhưng người kê khai không giải thích được nguồn gốc hoặc nguồn gốc không rõ ràng thì thu nhập đó bị coi là bất hợp pháp. Thu nhập bất hợp pháp bị tịch thu và hồ sơ vi phạm được chuyển cho cơ quan điều tra xem người kê khai có cấu thành tội tham nhũng hay không.
Trong khi đó, ở Việt Nam, đến nay, việc kê khai tài sản của CBCC chủ chốt gần như vẫn còn… mang tính nội bộ. Bảng kê khai được xem là tài liệu mật, được 3 cơ quan cùng cấp quản lý theo dạng hồ sơ mật là ban tổ chức, Ủy ban kiểm tra các cấp và thanh tra các cấp. Hồ sơ chỉ được đưa ra xem xét trong trường hợp có sự phản ánh, tố cáo và việc đem hồ sơ ra xác minh cũng chỉ có người được giao nhiệm vụ và người có thẩm quyền mới được tiếp cận hồ sơ.
Đánh giá về điều này, một cán bộ lãnh đạo Ủy ban MTTQ TP cho rằng, một khi người dân, các cơ quan dân cử không biết lãnh đạo chủ chốt TP, sở ngành, quận huyện có bao nhiêu tài sản, đâu là sự chênh lệch chính đáng, hợp pháp giữa số tài sản có trước khi được bổ nhiệm và sau khi rời chức vụ thì rất khó trở thành… “trợ thủ đắc lực” của chính quyền trong việc phát hiện tham nhũng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Huấn, việc kê khai tài sản CBCC nhất thiết phải có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan chức năng và cả các cơ quan dân cử. Đồng thời, cần công khai thông tin để người dân cùng giám sát và so sánh tài sản của cán bộ, xem tài sản của cán bộ đó có tăng lên đột biến hay không. “Làm được như vậy, những người có chức vụ mới khó có “đất” để tham nhũng” - Tiến sĩ Huấn góp ý.
HỒNG HIỆP