Kéo giảm tai nạn giao thông - phải làm từ gốc

Các báo cáo mới nhất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đều cho thấy, tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm đáng kể ở cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương.

Dẫu vậy, từ đầu tháng 2 đến nay, liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây thương vong rất lớn như: tai nạn liên hoàn làm 4 thiếu niên tử vong tại tỉnh Điện Biên ngày 7-2; vụ xe đầu kéo đâm xe khách làm 10 người tử vong tại tỉnh Quảng Nam ngày 14-2; vụ xe khách tông xe tải làm 3 người tử vong cũng tại tỉnh Quảng Nam ngày 21-2… TNGT vẫn luôn rình rập, ám ảnh người dân mỗi khi ra đường.

Những tháng đầu năm là cao điểm đi lại vào dịp đoàn viên Tết Nguyên đán, là mùa lễ hội, nhu cầu lưu thông tăng mạnh, nguy cơ TNGT rất cao. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Công an và các địa phương tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng không đủ nhân lực, thời gian kiểm tra, giám sát 100% các hoạt động trên đường. Hơn nữa, việc kiểm soát, xử phạt chỉ là phần ngọn. Gốc rễ của vấn đề là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp vận tải, chất lượng phương tiện và nhất là ý thức tài xế.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nguyên nhân tai nạn do ý thức chủ quan của tài xế chiếm tỷ lệ tới hơn 30%. Trong đó, các lỗi chủ yếu gây TNGT nghiêm trọng là: thiếu quan sát, thiếu kinh nghiệm trong xử lý tình huống; phóng nhanh, vượt ẩu; vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất cấm… Nếu các doanh nghiệp vận tải không đặc biệt quan tâm vấn đề này, không siết chặt công tác tuyển dụng, quản lý và tăng cường tuyên truyền, giáo dục tài xế, thì TNGT sẽ còn xảy ra.

Đặc biệt với mỗi tài xế, chỉ một giây bất cẩn, chủ quan có thể gây ra hậu quả thảm khốc, nhanh một giây nhưng chậm một đời. Ngược lại, sự cẩn trọng trong từng thời khắc chính là sự hộ mệnh đối với mỗi tài xế khi ngồi trước vô lăng, tay lái, có thể biến dữ hóa lành, biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ. 30% vụ TNGT do ý thức chủ quan của tài xế đồng nghĩa nếu ý thức của tài xế cải thiện thì hoàn toàn có thể hóa giải được 30% số vụ TNGT này. Các tài xế có thể chứng minh điều này, bằng ý thức và trách nhiệm!

Ở góc độ quản lý nhà nước, dư luận đã nhiều lần lên tiếng về hiện tượng tiêu cực, gian dối trong đào tạo, sát hạch lái xe, trong đó, học viên không được học đủ chương trình và các tình huống thực địa theo quy định vẫn vượt qua các đợt sát hạch. Mới đây, Bộ GTVT đã lập các đoàn thanh tra nhằm chấn chỉnh toàn diện công tác đào tạo, sát hạch lái xe trên cả nước. Tuy nhiên, nếu việc kiểm tra, chấn chỉnh lần này không đi vào thực chất, mạnh tay xử lý những vi phạm, thì cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” và sau đó thì mọi việc... đâu lại hoàn đấy.

Sau mỗi vụ tai nạn nghiêm trọng, cơ quan đăng kiểm luôn có báo cáo nhanh về tình hình kỹ thuật của phương tiện. Trong hầu hết các báo cáo, phương tiện gây tai nạn đều còn hạn đăng kiểm. Tuy nhiên, với việc hàng loạt trung tâm đăng kiểm bị cơ quan công an điều tra vì có sai phạm thì chất lượng kiểm định của gần như tất cả phương tiện đang lưu thông trên đường là một dấu hỏi. Việc điều tra những sai phạm của hoạt động đăng kiểm xe cơ giới sẽ như cuộc “đại phẫu”, giúp sốc lại kỷ cương, chất lượng lĩnh vực này.

Vấn đề còn lại là, các cơ quan quản lý nhà nước cần đảm bảo chất lượng hạ tầng giao thông, rà soát lại việc tổ chức giao thông trên các tuyến đường thường xảy ra tai nạn để có giải pháp khắc phục kịp thời. Khi triển khai đồng bộ các giải pháp thì hy vọng tình hình an toàn giao thông được cải thiện rõ rệt hơn.

Tin cùng chuyên mục