Kết thúc phiên điều trần về chất độc da cam/dioxin Việt Nam: Nỗ lực giải quyết vấn đề môi trường và sức khỏe con người

Tối 4-6 (giờ Việt Nam), tại thủ đô Washington, Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương và Môi trường toàn cầu thuộc Hạ viện Mỹ đã tổ chức phiên điều trần thứ hai về vấn đề chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.

Phát biểu tại phiên điều trần, Đại sứ Ngô Quang Xuân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam và là đồng Chủ tịch Nhóm đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam/dioxin cho rằng Việt Nam và Mỹ đã tích cực hợp tác và đạt được những kết quả khả quan trên lĩnh vực kinh tế-thương mại và các vấn đề nhân đạo. Tuy nhiên, vấn đề di sản của chiến tranh vẫn chưa được giải quyết. Đó là ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin tới sức khỏe con người và môi trường ở Việt Nam.

Đại diện của Mỹ, ông Scot Marciel, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, tuyên bố giữa Mỹ và Việt Nam đã có sự hợp tác mang tính xây dựng và thực tế đối với các vấn đề liên quan tới chất độc da cam/dioxin và sự hợp tác này đã vượt ra khỏi khuôn khổ đối thoại cấp chính phủ. Trong thời gian tới, những hỗ trợ của Chính phủ Mỹ sẽ theo một hướng tiếp cận mở và hiệu quả để giải quyết vấn đề chất độc da cam Việt Nam.

Trong khi đó, bà Mary Eileen Dolan-Hogrefe, Phó Chủ tịch kiêm cố vấn cấp cao của Tổ chức quốc gia về người tàn tật, cho rằng Mỹ cần phải cam kết về chuyên môn và nguồn lực đối với Việt Nam nhằm tiếp tục giải quyết các vấn đề môi trường do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin; giúp tạo ra một phong trào vì người tàn tật nhằm cải thiện sự quan tâm về y tế, và hỗ trợ xây dựng năng lực.

Theo nguồn tin từ Đại sứ quán Mỹ, trong tuần này, giới chức Mỹ cùng đối tác Việt Nam đã thăm nhiều dự án về sức khỏe và phục hồi môi trường tại Đà Nẵng trong đó có khu vực quanh sân bay Đà Nẵng, bao gồm một địa điểm nơi Quỹ Ford, Cục Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam lần đầu tiên để triển khai các nỗ lực khoanh vùng dioxin năm 2007. Tại địa điểm trên, EPA và Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam và Bộ Quốc phòng Việt Nam đang tiến hành thử nghiệm công nghệ phục hồi sinh học nhằm xác định liệu quy trình này có thể làm giảm mức độ tập trung dioxin trong đất xuống các mức độ an toàn cho môi trường hay không, hướng đến nỗ lực phục hồi môi trường trong tương lai.

N.P. (Theo TTXVN)

Tin cùng chuyên mục