Khắc phục hậu quả của Covid-19 bằng giải pháp trúng, mạnh, nhanh: TPHCM tăng tốc phát triển từ 2022

L.T.S: Dù đại dịch Covid-19 trong 4 tháng vừa qua (từ tháng 6 đến cuối tháng 9-2021) để lại những hậu quả nặng nề, song theo đánh giá của GS Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, năng lực kinh tế của thành phố hiện còn hầu như nguyên vẹn, không giống như thiệt hại do thiên tai, hay suy thoái, khủng hoảng do nguyên nhân kinh tế bên trong hay cú sốc bên ngoài gây ra.

Báo SGGP trân trọng giới thiệu bài viết của GS Nguyễn Thiện Nhân đề xuất 3 nhóm giải pháp nhằm khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội TPHCM trong quý 4-2021 và năm 2022.

Nhà máy Sanofi Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TPHCM vẫn duy trì hoạt động sản xuất ổn định trong 4 tháng qua
Đại dịch Covid-19 đã để lại hậu quả nặng nề phải giải quyết và đòi hỏi có phương thức sống và làm việc trong điều kiện bình thường mới. Vì vậy cần bổ sung: 1 chương trình dài hạn và 3 chương trình ngắn hạn. 

Chương trình dài hạn là phòng dịch Covid-19 hiệu quả, đảm bảo sản xuất kinh doanh và đời sống an toàn trong điều kiện bình thường mới (đang thực hiện). Chương trình ngắn hạn thứ 1 là hỗ trợ 427.000 người mắc Covid-19 và gia đình 16.500 người đã mất vì Covid-19. Nếu hỗ trợ mỗi người đã mắc Covid-19 là 2 triệu đồng và thân nhân của 16.500 người đã mất vì Covid-19 là 5 triệu đồng mỗi người, tổng kinh phí là 922,5 tỷ đồng. Chương trình ngắn hạn 2 “Đảm bảo nhân lực cho phục hồi kinh tế” là hỗ trợ người lao động trở lại TPHCM làm việc và bổ sung lao động thiếu, thực hiện trong quý 4-2021. Nếu mức hỗ trợ để trở về thành phố và trả tiền thuê nhà 1 tháng là 2 triệu đồng/người, chi phí thực hiện là 600 tỷ đồng. Chương trình ngắn hạn 3 “Doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể đủ nguồn lực tài chính để phục hồi sản xuất kinh doanh” là hỗ trợ đảm bảo thanh khoản cho hầu hết các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể có nhu cầu để phục hồi hoạt động, thực hiện trong quý 4-2021 và quý 1-2022.

Cơ sở pháp lý: khoản 2, điều 2 Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19-10-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định “Giao Chính phủ tiếp tục rà soát, thực hiện các giải pháp theo thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức giảm chi phí đầu vào; nghiên cứu phương án hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên chi phí lao động, phương án sử dụng ngân sách cấp bù lãi suất tiền vay cho doanh nghiệp, tổ chức bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 để phục hồi sản xuất, kinh doanh”.

Qua trao đổi với Cục Thống kê, Cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM và các sở có thể đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vay vốn ưu đãi, giảm lãi suất vay 3%, thế chấp bằng tài sản đảm bảo hoặc tín chấp, đảm bảo bằng dòng tiền bán hàng và thu dịch vụ sau khi vay, để bổ sung vốn lưu động, phục hồi hoạt động trong quý 4-2021 và quý 1-2022:

- Hỗ trợ 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ (khoảng 175.000 doanh nghiệp) vay bình quân 5 tỷ đồng/doanh nghiệp, tối đa 15 tỷ đồng.

- Hỗ trợ 300 doanh nghiệp lớn vay từ 20 tỷ đồng/doanh nghiệp qua mua trái phiếu doanh nghiệp.

- Hỗ trợ 80% hộ kinh doanh cá thể (khoảng 171.000 hộ) vay 25 triệu đồng/hộ.

Tổng vốn vay hỗ trợ là 940.000 tỷ đồng, ngân sách chi để giảm 3% lãi suất vay là 28.200 tỷ đồng.

Trong 4 tháng qua, TPHCM đã chi từ ngân sách 10.442 tỷ đồng (bằng 0,8% GRDP của thành phố năm 2021), đã tiếp nhận tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân 5.700 tỷ đồng (tiền mặt là 3.390 tỷ đồng và 2.310 tỷ đồng tiền đã mua vaccine), tổng giá trị là 16.142 tỷ đồng. Như vậy, tổng kinh phí đã chi và sẽ chi từ ngân sách và vận động xã hội để phòng chống dịch, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 sẽ là 45.865 tỷ đồng, tương đương 3,47% GRDP của thành phố năm 2021.

Kinh nghiệm từ hơn 80 nước trên thế giới năm 2020 và 2021 đã chỉ rõ, khi xảy ra đại dịch Covid-19, các chính phủ đã phải chi rất lớn từ ngân sách (qua nợ công) để cứu dân, người lao động khỏi đói và trở thành vô gia cư (không có khả năng trả tiền nhà), cứu doanh nghiệp khỏi phá sản. Bình quân cứ 1% suy giảm tăng trưởng kinh tế, họ chi 2% GDP cho phòng chống dịch, hỗ trợ dân và doanh nghiệp. Ở các nước thu nhập trung bình, tỷ lệ hỗ trợ này là 1,7% GDP. Nếu tăng trưởng kinh tế ở các nước trên bị giảm 6% (như ở TPHCM năm 2021 so với năm 2020), chính phủ sẽ chi bình quân từ ngân sách 10% GDP.

Đại dịch Covid-19 đã làm tiến trình triển khai các Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI bị chậm khoảng 1 năm. Vì vậy cần tăng tốc triển khai trong vòng 6 tháng tới việc hoàn thành phê duyệt và triển khai 18/49 đề án, chương trình trong quý 4-2021. Hoàn thành phê duyệt và triển khai 18/49 đề án, chương trình trong quý 4-2021.

Số lượng 18 đề án, chương trình này thuộc 3 chương trình đột phá và chương trình trọng điểm phát triển thành phố giai đoạn 2021-2025 mà Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã thông qua. Trong đó:

- 4/10 đề án thuộc chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa (bổ sung các yêu cầu, giải pháp do phải thực hiện trong điều kiện bình thường mới), gồm: Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030; Đề án phát triển Y tế cộng đồng thực hiện bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021-2030; Đề án Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2021-2030; Đề án Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 ngành trọng điểm.

- 8/13 đề án thuộc chương trình đột phá đổi mới quản lý TPHCM, gồm: Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2026-2030 (đã trình Chính phủ, Quốc hội); Đề án tổ chức Chính quyền đô thị tại TPHCM (đang triển khai); Đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM (đang triển khai); Đề án hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM giai đoạn 2021-2035 (1 tỷ USD đầu tư công cho hạ tầng giao thông và hạ tầng kinh tế tri thức, thu hút 3-5 tỷ USD đầu tư của các doanh nghiệp); Đề án hình thành và phát huy các hội đồng phát triển các ngành kinh tế giai đoạn 2020-2025 (đã thành lập được 7/11 hội đồng)…

- 3/13 đề án thuộc chương trình đột phá phát triển hạ tầng TPHCM, gồm: Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2030; Đề án phát triển ngành Logistic đến năm 2025, định hướng đến 2030; Chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030.

- 3/13 đề án thuộc chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TPHCM, gồm: Đề án du lịch thông minh giai đoạn 2020-2030 (đang triển khai); Chương trình liên kết phát triển du lịch TPHCM và các tỉnh giai đoạn 2020-2030 (đang triển khai); Diễn đàn kinh tế TPHCM (2021-2022).
Phê duyệt trước 30-4-2022 và tổ chức triển khai 31/49 đề án còn lại
m6/10 đề án thuộc chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa, gồm: Đề án tổ chức lễ hội và sự kiện TPHCM giai đoạn 2020-2030; Chương trình nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2020-2030…

- 5/13 đề án thuộc chương trình đột phá đổi mới quản lý TPHCM, gồm: Đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn TPHCM; Đề án tổ chức Phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TPHCM giai đoạn 2020-2030…

- 10/13 đề án thuộc chương trình đột phá phát triển hạ tầng TPHCM, gồm: Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045 và kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030; Đề án phát triển hạ tầng công nghiệp TPHCM giai đoạn 2020-2045 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2020-2025; Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030…

- 10/13 đề án thuộc chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và sản phẩm chủ lực TPHCM, gồm: Đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới; Chính sách hỗ trợ kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2020-2025; Chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tài chính và nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 (đang triển khai)…

Căn cứ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của Chính phủ giai đoạn 2022-2025 và khả năng huy động vốn của TPHCM qua vay bổ sung từ ngân sách trung ương hoặc phát hành trái phiếu thành phố, thành phố sẽ bố trí kinh phí cho các đề án, chương trình phát triển thành phố nói trên.

Nếu trong quý 4-2021 và quý 1-2022, TPHCM có thể dành ngân sách 1.522,5 tỷ đồng để chi cho 2 chương trình ngắn hạn (lo cho 427.000 người đã mắc Covid-19 và gia đình của 16.500 người đã mất vì Covid-19; hỗ trợ 300.000 lao động đã về quê quay lại thành phố) và nhận được từ ngân sách Trung ương theo Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19-10-2021 là 28.200 tỷ đồng (qua các ngân hàng thương mại được chỉ định) để hỗ trợ khoảng 175.000 doanh nghiệp và 171.000 hộ kinh doanh cá thể có đủ thanh khoản để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 4-2021 và quý 1-2022, thì từ quý 3-2022, kinh tế TPHCM sẽ tăng tốc phát triển. Việc triển khai 18 đề án, chương trình trong quý 4-2021 và 31 đề án, chương trình trong quý 1-2022 sẽ là nền tảng vững chắc để TPHCM phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, xanh hơn; người dân hạnh phúc hơn, vì cả nước, cùng cả nước trong giai đoạn 2021-2030.

Tin cùng chuyên mục