Thống kê 3 vòng đấu đầu tiên của mùa giải 2011 cho thấy số lượng khán giả đến sân tụt đến mức báo động. Trung bình chỉ có hơn 5.000 khán giả cho mỗi trận tại V-League, với giải hạng nhất là hơn 2.000. Con số này đã được khuếch đại hơn thực tế khoảng 1/4 lần. Nếu chúng ta biết, trung bình các sân tại Việt Nam có sức chứa khoảng 15.000 người, mới thấy cảnh đìu hiu ở mỗi trận đấu là như thế nào.
Hơn nữa, thực tế chỉ có khoảng 3-4 sân là đông xấp xỉ 10.000 người/trận, số còn lại nhiều nhất chỉ 3.000. Đấy là chưa nói đến việc 2/3 sân bóng hiện nay không hề bán vé. Song song với đó là số lượng thẻ phạt tăng đến mức chóng mặt với hơn 5 thẻ vàng/trận. Kèm theo là vô số hành vi bạo lực trong thi đấu, liên tục có những vụ cãi vã với trọng tài, cầu thủ phản ứng với chính khán giả nhà.
Cùng với việc tuyên truyền cho bóng đá được thực hiện sơ sài, mang tính chiếu lệ nên sự sa sút lượng khán giả là điều có thể lý giải.
Còn nhớ, hồi Cảng Sài Gòn còn thi đấu, khán đài B sân Thống Nhất luôn được lấp đầy bởi chỉ riêng lực lượng CĐV trung thành của đội này. Họ đông đảo đến mức tự lập ra Hội CĐV với 3-4 người điều hành. Hội này còn tổ chức những chuyến đi xa cổ động bằng tiền túi với số lượng lên đến cả ngàn người. Sau khi Cảng Sài Gòn đổi tên thành TPHCM, hội tan rã. Những thành viên chủ chốt không còn muốn đến sân Thống Nhất xem bóng đá nữa vì không tìm đâu ra hình ảnh đội bóng thân yêu ngày xưa. Trong thời gian gần đây, LĐBĐ TPHCM đã nỗ lực tổ chức lại Hội CĐV chung cho các đội bóng của thành phố nhưng phải thừa nhận là còn rất lâu mới có được không khí như các CĐV Cảng Sài Gòn ngày nào.
Việc khán giả không đến sân không phải do bị tác động bởi truyền hình, vì theo thống kê của một công ty nghiên cứu thị trường, số khán giả truyền hình cũng sút giảm mạnh so với 5 năm trước. Trong khi đó, số lượng phát hành của các tờ báo thể thao cũng ngày một kém và ít đầu báo hơn. Có thể khẳng định là bóng đá Việt Nam không còn đủ sức hút đối với giới hâm mộ và nguy cơ đến một ngày nào đó xu thế chẳng ai còn quan tâm đến bóng đá nội địa có thể xảy ra.
Vì sao lại như vậy? Trước đây, ở thời gọi là “bóng đá bao cấp”, các đội bóng đều thuộc địa phương hoặc ngành. Tức là đại diện cho một chủ thể rất rộng, đủ sức thu hút quần chúng nhân dân. Khi ấy, có sự kèn cựa “hơn thua nhau” ở những đội bóng cùng vùng, miền hoặc giữa ngành này với ngành nọ, tạo nên bầu không khí cổ động. Bây giờ, với việc sở hữu một đội bóng quá dễ dàng, một ông bầu có thể nắm cùng lúc 2-3 đội khác nhau. Đội bóng đó, tất nhiên chỉ mang tính chất đại diện cho công ty, thương hiệu của họ. Rồi hoạt động chuyển nhượng không được kiểm soát đã đẩy giá trị cầu thủ lên quá cao, trong khi ý nghĩa của lòng trung thành, “màu cờ sắc áo” không còn và xuất hiện nhiều đội bóng hầu như chẳng có cầu thủ trưởng thành từ địa phương mà các doanh nghiệp ghép tên. Tính chất đại diện cho địa phương ngày càng mai một nên người dân cũng không còn niềm tự hào đến sân cổ vũ như trước.
Tóm lại, 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam đang ngày càng mang tính thương mại cao hơn, chất chuyên môn kém hơn, và như vậy bóng đá không còn phục vụ cho khán giả như trước. Có thể lấy ví dụ rất bình thường nhưng khả dĩ lột tả được bản chất sự việc như sau: Trước đây, người gọi tên đội bóng là Thể Công, Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Đà Nẵng… nay chỉ thấy gọi là đội SHB, đội ACB, Xuân Thành, Navibank… chứ ít khi gọi trọn vẹn tên đội bóng bao gồm cả tên địa phương nữa.
Việt Quang