Sẻ chia những khó khăn này, nhiều chương trình hỗ trợ sinh viên, công nhân, người lao động xa quê trên địa bàn TPHCM được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các địa phương triển khai kịp thời, đồng bộ, rộng khắp.
Cùng với hoạt động chăm lo của các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, các mạnh thường quân là những nghĩa cử cao đẹp của không ít tấm lòng chủ nhà trọ trên địa bàn TPHCM. Thời gian qua, nhiều chủ nhà trọ không những giảm sâu giá cho thuê nhà trọ mà còn không lấy tiền người ở trọ trong nhiều tháng liền.
Như lời chia sẻ chân tình của bà Trịnh Thị Châu (63 tuổi, ngụ đường Quang Trung, quận Gò Vấp) rằng, từ khi mở dịch vụ kinh doanh nhà trọ, bà chưa từng tăng giá lần nào, luôn giữ ở mức giá cố định. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, bà chủ động giảm 500.000 đồng/phòng trong vòng 3 tháng và cho biết sẽ tiếp tục giảm giá thuê cho sinh viên, người lao động ở các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Bởi trong suy nghĩ của bà, nếu không giảm giá thì người thuê sẽ thêm nặng gánh, thêm những lo toan!
Điều này thể hiện rõ hơn qua báo cáo gần đây của Liên đoàn Lao động TPHCM. Cụ thể, đợt dịch bệnh vừa qua, TPHCM có hơn 57.000 phòng trọ được chủ nhà trọ giảm giá và 200 phòng trọ được các chủ nhà trọ miễn thu tiền người thuê vào thời điểm doanh nghiệp tạm dừng, thu hẹp sản xuất. Chỉ tính riêng địa bàn huyện Củ Chi đã có gần 2.500 chủ nhà trọ giảm tiền thuê cho hơn 18.200 phòng trọ, tương ứng với số tiền được giảm hơn 3,4 tỷ đồng.
Tại quận Thủ Đức - địa phương đi đầu phong trào không tăng giá, giảm giá cho thuê phòng trọ - hiện có khoảng 6.000 hộ dân có phòng trọ cho thuê với số lượng công nhân, người lao động nghèo, học sinh, sinh viên thuê trọ bình quân mỗi năm khoảng 121.200 người. Suốt 10 năm nay, hơn 90% hộ dân có phòng cho thuê trên địa bàn quận Thủ Đức thường xuyên thực hiện giảm hoặc không tăng giá cho thuê phòng trọ, tương ứng số tiền người ở trọ được giảm bình quân mỗi năm hơn 8,8 tỷ đồng.
Những con số đẫm tính nhân văn được hình thành bởi những người chủ nhà trọ bình dị, mộc mạc, nhân ái và biết sẻ chia. Càng trong khó khăn càng sáng lên nghĩa cử cao đẹp của họ. Nghĩa cử ấy như mạch ngầm len lỏi vào đời sống hàng trăm ngàn công nhân, sinh viên, lao động nghèo đang tha phương cầu thực tại TPHCM khi họ được chung lưng đấu cật để vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Giá trị hơn khi nghĩa cử ấy đã trở thành phong trào tại thành phố nghĩa tình mang tên Bác Hồ kính yêu và ngày càng lan tỏa khắp cả nước.