Khi kỹ sư cơ khí phải xin làm công nhân

Là một người đã có nhiều năm làm công tác tuyển dụng và đào tạo trong một doanh nghiệp nhà nước chuyên thi công công trình cơ bản, tôi rất trăn trở mỗi khi nhận được hồ sơ của những người đã tốt nghiệp đại học ngành kỹ sư cơ khí, kỹ sư xây dựng công nghiệp và dân dụng lại phải xin được tuyển dụng vào làm… công nhân với bậc lương khởi điểm, bậc 3/7 (tương đương với bậc thợ của công nhân tốt nghiệp trường nghề mới ra trường).

Đối với những trường hợp như vậy, khi phỏng vấn tuyển dụng lao động, tôi luôn dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ hoàn cảnh, nguyện vọng. Được biết các kỹ sư này từ sau khi tốt nghiệp đại học đã đi xin việc nhiều nơi nhưng chưa có công ty, doanh nghiệp nào gọi đi làm việc, nên đành xin được tuyển dụng vào làm công nhân xây dựng công trình để kiếm sống và tích lũy thêm kinh nghiệm, chờ thời. Khi gặp những kỹ sư trẻ phải xin làm công nhân, tôi hết sức ái ngại và cảm thông, bởi họ thường có hoàn cảnh vào đời không ai đỡ đầu, gia đình ở quê làm nông nghiệp, đời sống khó khăn. Những người cha, người mẹ cơ cực một nắng hai sương đã nhịn ăn nhịn mặc gắng nuôi con ăn học, đã đặt biết bao nhiêu niềm tin, kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của con mình sau khi ra trường, hẳn sẽ phải buồn tủi lắm khi biết con mình thành kỹ sư nhưng phải chấp nhận đi làm công nhân.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm nhân sự, nên sinh viên mới tốt nghiệp đại học ra trường không có nhiều cơ hội để tìm được việc làm. Đây quả là một thực trạng đáng buồn và rất đáng báo động. Điều này cho thấy công tác đào tạo của bậc giáo dục đại học ở nước ta, cung đã vượt cầu, do thiếu dự báo nguồn nhân lực. Nền giáo dục và đào tạo của chúng ta đã và đang lãng phí tiền bạc không chỉ của người học, của nhà nước mà còn lãng phí nguồn chất xám đã được đào tạo một cách bài bản, chính quy.

MINH VŨ (Tân Bình, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục