Khó xử bản quyền truyền hình thể thao

Công ty AVG đã công bố tham vọng mua trọn bản quyền truyền hình tất cả các môn thể thao tại Việt Nam với thời hạn 20 năm. Trước mắt, họ đã ký đối với môn thể thao vua (bóng đá) và nữ hoàng (điền kinh). Theo những động thái khá tự tin của AVG, họ sẽ thương thảo thành công các môn còn lại trong thời gian ngắn.

Tuy vậy, cũng có không ít liên đoàn thể thao khẳng định sẽ không ký, một số khác tỏ ra bối rối vì không biết lợi - hại ra sao. Nguyên nhân chủ yếu đến từ 2 yếu tố: thời hạn độc quyền quá dài và số tiền trả hàng năm. Cả 2 điều này, với rất nhiều liên đoàn thể thao, đều là những khái niệm hoàn toàn xa lạ.

Hiện tại, gần như các môn thể thao tại Việt Nam đều không có tiền bản quyền từ truyền hình (ngoài bóng đá), thậm chí, muốn được truyền hình trực tiếp còn phải trả tiền cho nhà đài. Tự dưng, nay có người trả tiền, lại còn trả dài hạn, thực sự là vượt quá suy nghĩ của nhiều người. Thành ra, chính các liên đoàn cũng chẳng biết nên bán cho AVG bao nhiêu tiền là vừa. Có ý kiến cho rằng, một đồng thì cũng là lời, nhưng một số liên đoàn đang thương thảo mức 150 - 200 triệu đồng/năm lại đánh giá số tiền này quá ít, không đáng để ký 20 năm.

Thực tế, tiền không phải là bản chất của vấn đề, bởi hiện tại các liên đoàn không hề thu được tiền.

Tại sao trước đây, các liên đoàn phải trả tiền cho đài truyền hình để được phát sóng? Bởi vì, muốn được quảng bá môn của mình, vừa phục vụ công tác tài trợ và quan trọng nhất họ được “sản phẩm truyền hình” thông qua quá trình sản xuất của nhà đài. Từ trước đến nay, các liên đoàn cứ hay quên rằng mình đã sở hữu một sản phẩm, nên chẳng biết rao bán sản phẩm đó trên nhiều kênh, nhiều đài khác nhau sau khi đã trả tiền cho một đài để sản xuất. Thành ra, họ có cảm giác là mất tiền cho các nhà đài.

Đấy chính là điều các liên đoàn nên quan tâm khi thương thảo với AVG. Vấn đề không phải AVG trả bao nhiêu tiền, mà họ sẽ phải sản xuất bao nhiêu chương trình, thời lượng từng chương trình ra sao, chất lượng sản phẩm cuối cùng như thế nào, có được phát sóng tất cả hay không? Phát trên bao nhiêu kênh? Phục vụ bao nhiêu lượng khán giả?... Nếu AVG đáp ứng toàn bộ những yêu cầu ấy, dù là một đồng cũng nên bán vì nó thỏa mãn mục tiêu quan trọng nhất của thể thao đó là tính chuyên nghiệp và sự quảng bá rộng rãi. Chứ cứ theo tình hình hiện tại, trong vòng 5 - 10 năm tới, tiền cũng chẳng đến với các liên đoàn mà sản phẩm truyền hình để bán cũng chẳng có.

Đấy có thể là lý do mà AVG đưa ra thời hạn 20 năm. Công bằng mà nói, với một số môn thể thao có lượng khán giả thấp, nếu miễn phí cho AVG tiền bản quyền truyền hình, nhưng yêu cầu họ ký trong thời hạn 5 năm thì cũng chưa chắc họ đã đồng ý. Bởi phải mất một thời gian rất dài để từ con số 0 hiện nay, AVG (hay bất kỳ nhà kinh doanh bản quyền nào) mới có thể hoàn tất lộ trình từ sản xuất ổn định chương trình, tiếp thị sản phẩm rồi mới bán được bản quyền truyền hình.

Tóm lại: nên ký với AVG hay không, quan trọng nhất không phải là tiền mà là mục đích của các liên đoàn trong sự phát triển môn thể thao của mình quản lý.


VIỆT TÂM

Tin cùng chuyên mục