Khoá xử vì luật “hở ”

Khoá xử vì luật “hở ”

“Trong một số vụ án cố ý gây thương tích, người bị hại sau khi nhận tiền bồi thường không hợp tác, không đồng ý cho giám định thương tật nên cơ quan điều tra buộc phải giám định qua hồ sơ. Trong khi đó, viện kiểm sát yêu cầu giám định cơ chế và hung khí gây thương tích nhưng Trung tâm Pháp y TPHCM không trả lời được nội dung này do không có đương sự, dẫn đến viện kiểm sát không phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án” - Thượng tá Lâm Văn Minh, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Hóc Môn, TPHCM, nêu một trong những khó khăn của hoạt động điều tra do quy định pháp luật bất cập.

Kẽ hở

Dù Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhưng vẫn còn một số quy định chưa phù hợp thực tế. Trong buổi làm việc với Đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XIII mới đây, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM dẫn chứng về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Nếu không xác định được người mượn nợ có dấu hiệu bỏ trốn nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền đã vay mượn, cơ quan điều tra không thể khởi tố vụ án. Dù một người đã rời khỏi nơi cư trú nhưng do Luật Cư trú không yêu cầu phải đăng ký tạm vắng, trừ những trường hợp bị quản chế hay bị án treo, đồng thời tại nơi tạm trú mới người đó thực hiện đầy đủ quyền công dân thì khó xác định họ có dấu hiệu bỏ trốn hay không. Bên cạnh đó, việc xác định yếu tố bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản gặp khó khăn nếu người mượn nợ đã bỏ đi, không có nhân chứng, chỉ có lời khai của người cho mượn nợ. Khi đó, viện kiểm sát không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can với lý do chứng cứ không đầy đủ. Do vậy cơ quan điều tra không thể ra quyết định truy nã mà chỉ ra quyết định truy tìm, dẫn đến việc nếu sau này tìm được đối tượng cũng đã hết thời hiệu xử lý.

Các thành viên của Đội Thanh niên xung kích phòng, chống rải đinh quận Thủ Đức điều khiển xe hút đinh trên xa lộ Hà Nội.
Các thành viên của Đội Thanh niên xung kích phòng, chống rải đinh quận Thủ Đức điều khiển xe hút đinh trên xa lộ Hà Nội.


Thượng tá Lâm Văn Minh nêu thêm một kẽ hở của luật: Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định những trường hợp cố ý gây thương tích theo khoản 1 điều 104 Bộ luật Hình sự chỉ bị xử lý hình sự khi có yêu cầu của người bị hại. Trên thực tế, không ít vụ việc, đối tượng sau khi gây thương tích, làm tổn hại sức khỏe người khác đã dàn xếp bồi thường và cũng không loại trừ dùng vũ lực uy hiếp khiến người bị hại rút yêu cầu xử lý. Thượng tá Lâm Văn Minh đề nghị nên sửa đổi quy định này để đảm bảo những đối tượng có hành vi côn đồ phải bị xử lý nghiêm minh.

Thoát tội nhờ “định lượng”

Đó là thực tế được lãnh đạo một số địa phương, cơ quan tiến hành tố tụng tại TPHCM phản ánh trong những buổi làm việc với Đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XIII. Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết: “Số vụ trộm cắp dây điện trên địa bàn huyện Hóc Môn cũng như các huyện ngoại thành khác khá lớn. Ngành điện hoặc địa phương phải bỏ ra chi phí lớn để lắp đặt dây điện mới. Trong hai năm qua, số tiền dùng để thay thế dây điện bị trộm cắp ở huyện Hóc Môn lên đến hơn 4 tỷ đồng. Thế nhưng việc định giá dây điện bị trộm lại tính theo giá trị sử dụng còn lại, thậm chí có những dây điện đã hết thời hạn khấu hao 5 năm nên giá trị tính như phế liệu. Vì vậy giá trị tài sản bị trộm không đến mức 2 triệu đồng để xử lý hình sự về tội “Trộm cắp tài sản”, từ đó không đủ sức răn đe, giáo dục phòng ngừa”.

Tương tự, theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, để không bị khởi tố về hành vi vận chuyển hàng cấm là thuốc lá ngoại, các đối tượng vận chuyển “lách” luật bằng cách chỉ chở tối đa 1.490 gói (loại 20 điếu/gói) vì pháp luật quy định chỉ xử lý hình sự đối với hàng phạm pháp có số lượng từ 1.500 gói trở lên.

“Đinh tặc” là vấn nạn nhức nhối của xã hội nhưng cũng khó xử lý. Chỉ có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Hủy hoại tài sản” khi giá trị tài sản bị thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên. Ông Bùi Xuân Tứ, Viện trưởng Viện KSND huyện Hóc Môn bức xúc nói: “Tuy ruột xe mới chỉ vài chục ngàn đồng nhưng hậu quả của việc xe bị cán đinh lại nghiêm trọng, vì có thể dẫn đến té xe, gây nguy hiểm đến tính mạng. Vậy nên chăng nghiên cứu bỏ định lượng đối với tội danh này?”.

Một khi những điều luật bất cập chưa được sửa đổi phù hợp thực tế, những khó khăn, vướng mắc nêu trên sẽ vẫn tồn tại, góp phần khiến hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng bị hạn chế. Khi đó, niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật, vào tiến trình cải cách tư pháp sẽ bị sút giảm.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục