Khoảng 1 triệu khách quốc tế đi tour giá rẻ đến Đà Nẵng

Đó là thông tin được bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng trả lời đến đại biểu khi được hỏi về vấn đề này trong phiên chất vấn của kỳ họp thứ 12, HĐND TP Đà Nẵng, khóa IX. 

Theo đó, nhiều đại biểu lo ngại việc các tổ chức, cá nhân người nước ngoài núp bóng để mở hoạt động kinh doanh tạo các tour khép kín, tour giá rẻ gây thất thu và có bao nhiêu khách quốc tế đến Đà Nẵng bằng hình thức này.

Khoảng 1 triệu khách quốc tế đi tour giá rẻ đến Đà Nẵng ảnh 1 Đại biểu lo ngại về tour giá rẻ gây thất thu ngân sách. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Trả lời về vấn đề này, việc tour giá rẻ là chủ yếu do công ty lữ hành bán các điểm với giá 0 đồng hoặc chỉ bằng với chi phí vận chuyển để thu hút khách. Bà Hạnh cho rằng, hiện tại trên địa bàn TP đa phần sử dụng tour này là khách Trung Quốc.

Cụ thể, du khách quốc tế đến Đà Nẵng là hơn 3,5 triệu lượt, trong đó chủ yếu là du khách Hàn Quốc và Trung Quốc là hai thị trường chính; chiếm khoảng 70% - tương đương 2,5 triệu lượt. Trong số này, lượt khách Trung Quốc đi tour giá rẻ ước khoảng 616 ngàn lượt, chiếm 88% du khách của nước này đến với thành phố, đối với khách Hàn Quốc tỉ lệ này chiếm 21 % tức là khoảng khoảng 1 triệu khách trên 3,5 triệu khách quốc tế đến với TP sử dụng tour giá rẻ.

Lý giải về việc 2 quốc gia có nhiều khách sử dụng loại hình này, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng: “Do thị trường Trung Quốc cần phải có thị thực và buộc bảo lãnh bởi một công ty lữ hành Việt Nam, do đó lượng khách đi tour giá rẻ chiếm tỉ lệ cao. Thị trường Hàn Quốc được miễn thị thực do đó lượng khách đi tour truyền thống và đi lẻ nhiều hơn. Tổng lượng khách 2 thị trường này đi tour giá rẻ chiếm 28% tổng lượng khách đến Đà Nẵng, các thị trường khác không có tour giá rẻ”.

Khoảng 1 triệu khách quốc tế đi tour giá rẻ đến Đà Nẵng ảnh 2 Giám đốc Sở Du lịch thông tin khách đi tour giá rẻ chủ yếu là người Trung Quốc. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Một hoạt động phát sinh từ tour giá rẻ là người nước ngoài trực tiếp đàm phán giá với các cơ sở cung ứng dịch vụ ở Việt Nam thanh toán bằng tiền mặt. Đồng thời, du khách đi theo dạng tour này sẽ thanh toán bằng các ứng dụng ví điện tử chưa được cấp phép tại Việt Nam và nước ta cũng chưa có quy định quản lý thanh toán điện tử xuyên biên giới gây thất thu về kinh tế.

Về mặt giải pháp, bà Hạnh cho biết, Sở sẽ tiếp tục việc quản lý hướng dẫn viên lữ hành; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra người nước ngoài tạm trú, sử dụng lao động người nước ngoài; niêm yết giá và thanh toán qua ví điện tử trái phép.

Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị với Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an chia sẻ thông tin các công ty lữ hành bảo lãnh cho lao động nước ngoài để phát hiện sớm người vi phạm. Đồng thời kết hợp với Sở Công thương kê khai giá dịch vụ lữ hành, ban hành mức giá tối thiểu của chương trình tour giá rẻ nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ.

“Hiện nay, Chính phủ có quy định về xử phạt khách du lịch sử dụng thanh toán ví điện tử chưa được cấp phép thì sắp đến chúng tôi sẽ triển khai tuyên truyền đến du khách thông qua các hướng dẫn viên cũng như các cơ sở mua sắm để họ không dùng những ứng dụng trên. Ngân hàng Nhà nước đang xem xét để ban hành quy định quản lý thanh toán điện tử xuyên biên giới nên chúng tôi đề nghị quy định sớm được ban hành” Giám đốc Sở Du lịch thông tin thêm.

Tin cùng chuyên mục