Khoảng trống chương trình giải trí cho thiếu nhi

Để nhắc tên một chương trình hay một bộ phim truyền hình, điện ảnh thuần Việt, rất nhiều phụ huynh cảm thấy lúng túng, ngay cả khi chúng ta vẫn đang có những kênh sóng dành riêng cho thiếu nhi, khi số chương trình tạo hiệu ứng và tiếng vang khó đếm trên đầu ngón tay. 
Kính vạn hoa, một bộ phim truyền hình được nhiều đài chọn phát sóng trong dịp hè trước đây. Ảnh: T.L.
Kính vạn hoa, một bộ phim truyền hình được nhiều đài chọn phát sóng trong dịp hè trước đây. Ảnh: T.L.

Chỉ cần lên YouTube hay các nền tảng trực tuyến, các bậc phụ huynh và em nhỏ có thể dễ dàng tìm thấy kho nội dung phong phú. Nhiều đơn vị xây dựng riêng nền tảng cho trẻ em, đảm bảo nội dung phù hợp với lứa tuổi. Khi sự cạnh tranh giữa các đơn vị sản xuất càng khốc liệt, tất yếu cuộc đua chất lượng được đặt lên hàng đầu. Nhưng, khoảng trống đã được nhắc đến từ nhiều năm qua, đó là các nội dung thuần Việt luôn thiếu và yếu về lượng cũng như chất.

Để nhắc tên một chương trình hay một bộ phim truyền hình, điện ảnh thuần Việt, rất nhiều phụ huynh cảm thấy lúng túng, ngay cả khi chúng ta vẫn đang có những kênh sóng dành riêng cho thiếu nhi, khi số chương trình tạo hiệu ứng và tiếng vang khó đếm trên đầu ngón tay. Không ít bậc phụ huynh vẫn nhắc nhớ về những thương hiệu của quá khứ: Kính vạn hoa, Đội đặc nhiệm nhà C21, Đất phương Nam, Gia đình phép thuật… Có một thời gian, trên sóng truyền hình nở rộ các cuộc thi, gameshow dành cho thiếu nhi và liên tục chiếm sóng giờ vàng, nhưng rồi cũng nhanh chóng thoái trào. Bởi, đa số thiên về thi thố với sự cạnh tranh rất cao và không hẳn lúc nào cũng mang đến năng lượng tích cực.

Câu chuyện kịch bản chương trình, kêu gọi kinh phí đầu tư, thời gian sản xuất… là những thách thức cố hữu nhiều năm qua. Thực tế ấy khiến các đơn vị sản xuất tư nhân không mấy mặn mà, vì khi bài toán kinh doanh không khả thi, không ai dám mạo hiểm đầu tư. Ở mảng điện ảnh, sự thất bại gần nhất về doanh thu phòng vé của Trạng Tí: Phiêu lưu ký hay Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác - những phim thiếu nhi thuần Việt hiếm hoi ra rạp - càng khiến các nhà sản xuất dè chừng. Những nhà làm phim từng mạnh dạn đeo đuổi dòng phim này, dù tâm huyết cũng khó đi đường dài. Đối với phim truyền hình, thương hiệu bền bỉ nhất trên màn ảnh nhỏ nhiều năm qua là series Cổ tích Việt Nam do Phương Nam phim thực hiện mỗi tuần cũng chỉ phát sóng 1 tập vào tối chủ nhật.

Khi các chương trình giải trí thuần Việt cho thiếu nhi còn yếu và thiếu, tất yếu dẫn đến tình trạng ngoại lấn lướt nội. Cả trên màn ảnh nhỏ lẫn các nền tảng trực tuyến, đa phần là các chương trình được mua bản quyền, về lồng tiếng và phát sóng với vô số lựa chọn từ phim, các chương trình kỹ năng sống, truyền hình thực tế, gameshow… Trong khi đó, ở mảng phim chiếu rạp, sự lép vế càng rõ rệt. Cùng thời điểm phát hành, Doiraemon: Nobitacuộc chiến vũ trụ tí hon áp đảo hoàn toàn Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác (doanh thu gần 49 tỷ đồng so với hơn 6,5 tỷ - số liệu từ Box Office Vietnam). Hay gần đây, Minions: Sự trỗi dậy của Gru đồng thời lập kỷ lục phim hoạt hình có doanh thu mở màn cao nhất mọi thời đại và cán mốc 100 tỷ đồng nhanh nhất chỉ sau 10 ngày tại thị trường Việt Nam. So sánh phim hoạt hình nội - ngoại vốn đã là cuộc chiến không cân sức.

Khó không có nghĩa là chấp nhận đầu hàng. Ở góc độ nhà sản xuất, bài toán kinh doanh được đặt lên hàng đầu, bởi là yếu tố đảm bảo cho họ đi đường dài, có thể tái đầu tư, sản xuất. Trong câu chuyện thành công, ví dụ điển hình của series Cổ tích Việt Nam hàng chục năm qua là bằng chứng điển hình. Trường hợp này sẽ đúng với cả các gameshow, truyền hình thực tế hay các chương trình trên các nền tảng trực tuyến khi các đơn vị sản xuất cân bằng được yếu tố giải trí - nhân văn - kịch tính. Ý thức xây dựng thương hiệu, nỗ lực tìm lối đi riêng và bền bỉ phát triển kho nội dung sẽ là chìa khóa thành công. Dẫu sao, những nội dung thuần Việt luôn có ưu thế bởi sự gần gũi và khi chạm đến khán giả, nó sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa cao.

Tin cùng chuyên mục