Những ngày gần đây, thông tin trên các báo, các trang mạng xã hội bình luận sôi nổi về sự kiện nhiều bài thi THPT quốc gia 2019 (bài thi trắc nghiệm) bị 0 điểm nhưng sau phúc khảo tăng đến chóng mặt ở cụm thi Tây Ninh. Cá biệt, học sinh giỏi tin học quốc gia nhưng vẫn bị điểm 0 ở cả 3 bài thi Khoa học Tự nhiên (Hóa, Lý, Sinh). Thế rồi sau phúc khảo, điểm thi của em này quay đầu khá cao: 5,75 - 8 - 6,25.
Câu chuyện thi cử nước ta như một cuốn tiểu thuyết nhiều chương, nhiều kỳ, luôn thu hút hàng triệu người quan tâm. Sau những biến cố động trời của kỳ thi năm 2018, Bộ GD-ĐT muốn lấy lại uy tín bằng những cam kết chắc nịch: không để tái diễn như tình trạng năm 2018, đảm bảo công bằng, khách quan và minh bạch trong tất cả các khâu từ coi thi đến chấm thi. Thế nhưng, nếu kỳ thi năm trước thí sinh từ cười thành khóc thì kỳ thi năm nay thí sinh lại chuyển sang hình thái từ khóc thành cười. Nhưng cái cười của thí sinh năm nay lại không mãn nguyện mà có điều gì đó cay đắng và gượng gạo rất khó tả, giống như dân gian thường nói “cười ra nước mắt”.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay được Bộ GD-ĐT đánh giá là “an toàn, nghiêm túc” vì đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu in sao đề, giao các trường đại học tổ chức thi, chấm thi, đến sử dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để phòng ngừa, hạn chế tối đa tiêu cực. Việc chấm thi cũng được giám sát kỹ lưỡng, sau khi sử dụng phần mềm nạp quét, sao lưu dữ liệu, nhận dạng ảnh… Thế nhưng, sai sót vẫn xảy ra và trách nhiệm vẫn không có người đứng ra nhận lãnh.
Trường hợp ở cụm thi Tây Ninh là một ví dụ điển hình nhất. Khi phát hiện bất thường và lỗi phần mềm chấm thi, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai (đơn vị phụ trách chấm trắc nghiệm) đã phối hợp cùng Sở GD-ĐT Tây Ninh báo cáo Bộ GD-ĐT để xử lý và xin chấm lại vì nhiều em bị điểm 0 bất thường. Thế nhưng, thay vì bắt tay vào xử lý sự cố ngay, đại diện Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Sở GD-ĐT Tây Ninh tổ chức gặp gỡ 34 thí sinh và gia đình các em ngay sau khi công bố kết quả thi để… trao đổi, động viên (!?). Và đáng nói hơn, bộ lại đổ lỗi rằng 58 bài thi trắc nghiệm của 34 thí sinh thuộc Cụm thi Tây Ninh bị điểm 0 được phát hiện là do thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án. Càng chủ quan hơn, đại diện bộ lại khẳng định “việc 58 bài thi trắc nghiệm của 34 thí sinh bị điểm 0 là hiện tượng cá biệt, chỉ xảy ra ở cụm thi tỉnh Tây Ninh”.
Tuy nhiên trước đó, khi phát hiện bất thường này, chúng tôi trực tiếp phản ánh và nhận được phản hồi từ đơn vị phụ trách chấm thi và lẫn Bộ GD-ĐT xác nhận: “Đúng là lỗi do phần mềm chấm thi và các anh thông cảm vì chấm quá nhiều bài nên gặp trục trặc là chuyện bình thường. Chúng tôi muốn chấm lại nhưng không thể vì tất cả đã niêm phong, dữ liệu quét đã mã hóa, rất phức tạp...”. Với quy trình chấm thi trắc nghiệm gồm 5 bước đảm bảo chi tiết, rõ ràng và có phần sửa lỗi (tức là các lỗi tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án...) sau đó mới ráp đáp án từ bộ và chấm điểm. Vậy tại sao câu chuyện ở Tây Ninh dù biết và phát hiện “bất thường” nhưng vẫn không chỉnh sửa lỗi mà vẫn nhẫn tâm cho 58 bài thi trắc nghiệm của 34 thí sinh bị điểm 0? Phải chăng do Bộ GD-ĐT sợ mất thời gian, sợ phức tạp nên hay sợ vấn đề gì khác?
Ở nhiều cụm thi trên cả nước, sau khi phúc khảo, nhiều bài thi 0 điểm cũng đã được điều chỉnh tăng điểm. Chính các trường tham gia chấm thi cũng thừa nhận, ngoài những nguyên nhân sai sót thì phần mềm chấm thi của Bộ GD-ĐT có trục trặc và bị lỗi. Mà phần mềm bị lỗi sẽ xảy ra các hiện tượng không nhận diện được bài thi, không nhận diện đáp án, không nhận diện mã đề nên bị điểm 0 ở các bài trắc nghiệm là đương nhiên.
Câu chuyện thi cử ngoài áp lực vốn có từ sự cạnh tranh thì kết quả điểm thi là một vấn đề rất lớn với thí sinh. Thí sinh có thể cười, có thể khóc và có thể suy sụp, thậm chí có thể nghĩ quẫn với bài thi đạt điểm 0. Và kéo theo đó là suy sụp của gia đình, người thân. Mục tiêu thi cử nhẹ nhàng, giảm áp lực và đảm bảo sự khách quan, công bằng không chỉ ngành GD-ĐT mong muốn mà toàn ngành, toàn xã hội đều mong muốn. Các giải pháp kỹ thuật, công nghệ dù hiện đại tới mấy khi được áp dụng nhưng nó phải được con người kiểm soát vì chính con người tạo ra nó. Do đó, không thể biết sai mà không nhận, không sửa, không thể bắt thí sinh phải chịu những điểm 0 nghiệt ngã một cách máy móc. Bộ GD-ĐT, các đơn vị chấm thi nhận lãnh trách nhiệm những điểm 0 đó ra sao? Dư luận vẫn chờ đợi câu trả lời vì đó là tương lai, ước mơ, mục tiêu của tuổi trẻ.