Khởi công rồi… bất động

Ngán ngẩm vì công trình “treo”
Khởi công rồi… bất động

Với phương thức hợp tác công tư, xã hội hóa đầu tư, TPHCM đã xây dựng được những công trình giao thông hiện đại như cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn. Song, cũng đang có những công trình rất trì trệ, khởi công rồi bỏ dở dang, do chủ đầu tư không chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm. Thực trạng đó gây nhiều khó khăn trong việc lưu thông, đi lại của người dân.

Công trình cầu sắt Bình Lợi khởi công rồi không thi công, gây khó khăn, bất tiện cho nhiều ghe, sà lan, vì phải chờ con nước xuống để chui qua cầu

Ngán ngẩm vì công trình “treo”

Đầu tháng 12-2015, đông đảo người dân đến phường Tam Bình (quận Thủ Đức, TPHCM) hân hoan chứng kiến lễ động thổ khởi công dự án đường nối Phạm Văn Đồng với cầu Gò Dưa trên tuyến Vành đai 2. Đây là tuyến đường trọng điểm của TPHCM. Chủ đầu tư công trình là liên danh của 3 đơn vị: Công ty cổ phần Đầu tư HSN Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest và Công ty cổ phần Đầu tư tư vấn xây dựng Bắc Á. Thấy những phương tiện xe cơ giới hùng hậu, ai cũng hy vọng con đường sẽ sớm được hoàn thành sau 24 tháng như cam kết. Thế nhưng, bây giờ trở lại đây sau 4 tháng khởi công, mọi người kinh ngạc khi thấy ở đây im ắng đến lạ. Một người chạy xe ôm chờ khách ở chân cầu vượt cho biết: “Sau lễ khởi công, các xe cơ giới đều rút đi luôn. Suốt 4 tháng nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì!”.

Công trình cầu sắt Bình Lợi cũng trong tình trạng như vậy. Sau hơn 1 năm tổ chức lễ động thổ rình rang, đến bây giờ ở đây vẫn chưa thấy bóng công nhân. Các đơn vị đầu tư (gồm: Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ Giao thông Vận tải), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển  đô thị xanh, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng SDT Việt Nam) chưa thấy có mặt ở công trình. Trong khi đó, dưới sông Sài Gòn, nhiều ghe, sà lan đang phải nối nhau nằm chờ con nước xuống để chui qua cầu. Người dân ở gần đấy cho biết, cách đây vài tháng, có chiếc sà lan mắc kẹt dưới gầm cầu đã đội cầu, gây mất an toàn tuyến đường sắt. Từ dạo đó, cầu được canh phòng chặt, nghiêm cấm ghe, sà lan chui cầu khi khoảng không thông thuyền chưa đảm bảo an toàn. Còn trên cầu, mặt đường dẫn và mặt cầu dành cho xe máy và người đi bộ đã bị xuống cấp hư hỏng nặng. Công trình này đang rất cấp bách nhưng lại bị bỏ trì trệ như vậy, không đảm bảo thuận tiện và an toàn giao thông. 

Cũng có những công trình sau lễ khởi công đã thi công nhưng tiến độ quá chậm. Đáng trách nhất là dự án xa lộ Hà Nội mở rộng do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) đầu tư, đã chậm tiến độ quá lâu so với kế hoạch đặt ra. Đến nay, công trình này vẫn ngổn ngang, thi công những khúc đường ngắn, chưa nối liền nhau, do vậy, tình trạng tắc đường, kẹt xe thường xuyên xảy ra. Với kiểu thi công “ầu ơ” thế này thì chưa biết đến bao giờ mới xong.

Có đủ thứ lý do

Các doanh nghiệp tham gia đầu tư công trình hạ tầng giao thông theo hình thức hợp tác công tư; xây dựng, kinh doanh, chuyển giao (BOT) được chính quyền TPHCM quan tâm tạo điều kiện, dành nhiều chính sách hỗ trợ. Do vậy, nhiều doanh nghiệp không hoạt động ở lĩnh vực xây dựng cầu đường cũng nhảy vào tham gia. Xem xét thực tế các công trình cầu sắt Bình Lợi, đường nối Vành đai 2, xa lộ Hà Nội... cho thấy hầu hết các công ty hoạt động trên lĩnh vực xây dựng nhà ở. Chỉ Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest có tham gia sửa chữa, nâng cấp đường, còn hầu hết là tay ngang, nên thiếu kinh nghiệm điều hành thi công, kỹ thuật.

Các công trình thi công chậm đều vướng ở khâu không có mặt bằng hoặc giải tỏa chậm không đáp ứng được yêu cầu của đơn vị thi công. Tại công trình đường nối Vành đai 2, công tác giải phóng mặt bằng chỉ mới rục rịch triển khai. Ở công trình cầu sắt Bình Lợi, phần mặt bằng ở quận Bình Thạnh đã cơ bản giải tỏa xong, nhưng còn phía quận Thủ Đức vẫn chưa giải tỏa được.  Mặt bằng công trình xa lộ Hà Nội được giải tỏa theo kiểu ngắt khúc từng đoạn một, dễ trước khó sau, đia phương giao mặt bằng khúc nào thì đơn vị thi công tổ chức làm đường khúc đó. Vì thế, chỉ một dự án nhưng có nhiều công trình, làm phân tán lực lượng máy móc, ảnh hưởng tiến độ, tăng kinh phí đầu tư công trình và gây ách tắc giao thông.

Chủ trương xã hội hóa sẽ thu hút nhiều thành phần góp sức, góp vốn tham gia xây dựng các công trình hạ tầng, giao thông. Để tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy thi công sớm các công trình trọng điểm, chính quyền các cấp cần quan tâm công tác đền bù, để sớm giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đối với doanh nghiệp, cần nâng cao năng  lực, trình độ chuyên môn trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng hạ tầng, cầu đường. Điều quan trọng là trước hết chính quyền phải kiểm tra, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực kỹ thuật và tài chính để tránh tình trạng công trình khởi công rồi…bất động.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục