Khởi đầu mới

Cuộc đối thoại đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã mang lại kết quả tích cực. Đó là tạm hoãn 4 tháng cuộc chiến hàng không mà Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã vướng vào từ năm 2004.
Cuộc chiến hàng không tạm hoãn, nhen nhóm hy vọng về khởi đầu mới trong quan hệ Mỹ - EU
Cuộc chiến hàng không tạm hoãn, nhen nhóm hy vọng về khởi đầu mới trong quan hệ Mỹ - EU

Tín hiệu tốt lành

Bất đồng giữa Mỹ và EU đã kéo dài 17 năm qua do đôi bên cáo buộc lẫn nhau đã tài trợ cho 2 công ty Airbus và Boeing. Vụ tranh chấp do Boeing khởi đầu khi công ty này của Mỹ khiếu nại với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về những ưu đãi mà chính phủ các nước Đức, Pháp, Anh và Tây Ban Nha dành cho đối thủ Airbus. Đó là các khoản vay ưu đãi để phát triển và sản xuất các mẫu máy bay mới mà Airbus nhận được trong hàng chục năm. Về phía Airbus, công ty của châu Âu này cũng đã nộp đơn kiện Boeing với các cáo buộc tương tự, số tiền yêu cầu bồi thường của họ lên tới hơn 1 tỷ USD.

Quyết định đầu tiên về các khiếu nại được đưa ra vào năm 2011, cả hai tuyên bố đều được thừa nhận là hợp lý và các vi phạm đã được phát hiện. Tuy nhiên, kháng cáo đã kéo dài quá trình này cho đến gần cuối thập niên. Chiến thắng cuối cùng trong vụ kiện cho phép Mỹ áp thuế 25% đối với một số hàng hóa châu Âu từ năm 2019 - trong số đó có đồ uống chứa cồn, thực phẩm, quần áo. Tháng 11 năm ngoái, sau phán quyết về vụ Boeing của WTO, EU cũng đáp trả Mỹ bằng quyết định tương tự.

Sau cuộc điện đàm với ông Joe Biden, bà Ursula von der Leyen cho đăng một thông cáo mang đầy màu sắc lạc quan trên trang web của EC, trong đó Chủ tịch EC đã nói đến một tin tức hết sức tốt đẹp và bước khởi đầu mới. Theo giới quan sát, cuộc chiến chưa hẳn đã kết thúc vì thời hạn tạm hoãn chỉ 4 tháng. Nhưng trên thực tế, châu Âu có thể thở phào nhẹ nhõm vì tạm thoát nỗi lo sợ bị bỏ rơi khi thỏa thuận giữa Mỹ và Anh được loan báo trước thỏa thuận với châu Âu. Dù chỉ là ngưng chiến tạm thời, châu Âu vẫn xem đây là tín hiệu tốt, thúc đẩy hy vọng ngày nào đó sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại chung với Mỹ, như là hiệp định tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương (TTIP) được đề ra vào thời Tổng thống Barack Obama - nhưng đã bị ông Donald Trump hủy bỏ.

Tái lập “sức mạnh nêu gương”

Cuộc điện đàm giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ và EU diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ cho công bố bản Chỉ dẫn Chiến lược an ninh quốc gia tạm thời (cơ sở cho việc soạn thảo Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ, dự kiến hoàn tất cuối năm nay), trong đó có nội dung nhấn mạnh việc siết chặt quan hệ với đồng minh, đối tác để đối phó với các thách thức lớn xuyên quốc gia. Bản chỉ dẫn khẳng định các mối đe dọa hiện nay, từ đại dịch đến khủng hoảng khí hậu, thách thức về công nghệ số, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nhân đạo, hay chủ nghĩa bạo lực, khủng bố, vũ khí hủy diệt… không thể được hóa giải nếu không có các phối hợp quốc tế. Mỹ sẽ tập trung đầu tư vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các quan hệ liên minh của tổ chức này với Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc, được coi là tài sản chiến lược lớn nhất của Mỹ. Tài liệu dài 24 trang của Nhà Trắng cũng khẳng định sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ, cộng tác với New Zealand, cùng các quốc gia ASEAN khác, để thúc đẩy các mục tiêu chung.

Các nhà phân tích nhận định, Chỉ dẫn Chiến lược an ninh quốc gia tạm thời là một bước đi nữa cho thấy quyết tâm của ông Joe Biden đoạn tuyệt với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của người tiền nhiệm Donald Trump. Từ nay, Washington sẽ không đơn thương độc mã trong việc giải quyết các thách thức có quy mô khu vực hay toàn cầu, trong đó có cuộc đối đầu với Trung Quốc, mà sẽ dựa vào các đồng minh. Mỹ đặt trọng tâm vào việc đưa nước này trở lại dẫn đầu thế giới bằng “sức mạnh nêu gương”; tham gia và lãnh đạo các tổ chức quốc tế, thay vì rút ra khỏi các tổ chức đó.

Tin cùng chuyên mục