
Theo AP, sau 4 ngày thảo luận ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC) - cơ quan đại diện cho phe đối lập của Syria tuyên bố tham gia cuộc đàm phán hòa bình do LHQ bảo trợ diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ). Tuyên bố này là một bước tiến mới nhằm phá vỡ thế bế tắc của cuộc nội chiến dai dẳng tại Syria, vốn đã bị trì hoãn trong nhiều tháng qua.
Ủy ban Đàm phán cấp cao gây bất ngờ
HNC nói rằng đã nhận được những đảm bảo mà họ tìm kiếm về việc ngừng ném bom các khu vực dân sự và chấm dứt các cuộc bao vây. HNC cử khoảng 30 - 35 người tham gia cuộc đàm phán ở Geneva đã diễn ra vào ngày 29-1 và dự kiến sẽ có cuộc thảo luận với Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura vào ngày 31-1.
Trong khuôn khổ cuộc hòa đàm về Syria vừa khởi động tại Geneva, ông Staffan de Mistura đã có cuộc thảo luận với phái đoàn đại diện cho chính phủ của Tổng thống Bashar al Assad. Cuộc thảo luận sẽ mở đầu cho hàng loạt các cuộc hòa đàm dự kiến kéo dài trong 6 tháng tới để giải quyết cuộc nội chiến hỗn loạn tại quốc gia Trung Đông này. Tuyên bố tham gia đàm phán của HNC đã đảo ngược những đe dọa trước đó của lực lượng được Saudi Arabia hậu thuẫn này về việc tẩy chay các cuộc đàm phán ở Geneva. Các cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva là một phần trong kế hoạch kéo dài 18 tháng đã được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua hồi cuối năm ngoái nhằm giải quyết cuộc xung đột tại Syria.

Xung đột tại Syria khiến nhiều người dân phải di tản
Đại diện người Kurd ở Syria đã rời khỏi thành phố Geneva sau khi không nhận được lời mời tham gia các cuộc đàm phán hòa bình Việc các đảng của người Kurd có được mời tham gia cuộc đàm phán tại Geneva hay không là vấn đề gây tranh luận nhiều nhất giữa các phe phái tham chiến ở Syria, cũng như các nước ủng hộ đứng đằng sau các phe phái này.
Vòng đàm phán tại Syria được nhận định sẽ gặp nhiều khó khăn do các bên vẫn chưa thật sự có tiếng nói chung. Theo ông Joshua Landis, Giám đốc chuyên ngành Trung Đông học tại Đại học Oklahoma (Mỹ), các bên liên quan cần phải có sự chân thành. Sự thắng thế trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria trong những tuần qua đã tạo thêm lợi thế cho chính quyền Tổng thống Assad. Lợi thế này đến từ khi Nga bắt đầu các cuộc không kích để hỗ trợ cho Tổng thống Assad, chống lại các nỗ lực của các nhóm đối lập được sự hậu thuẫn của Mỹ, một số thành viên EU, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia. Chính phủ ông Assad nhiều khả năng sẽ không có sự nhượng bộ để thương thuyết với một phe đối lập manh mún.
Tăng cường chống IS
Trong khi các cuộc đàm phán hòa bình Syria diễn ra tại Geneva thì cuộc chiến chống IS vẫn đang được đẩy nhanh tiến độ giữa 2 bên: lực lượng quân đội Nga - Syria và liên quân do Mỹ dẫu đầu. Bộ trưởng Quốc phòng Syria Fahed Jassem al-Freij mới đây đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu tại Mátxcơva thảo luận về hợp tác chống IS. Chính phủ Hà Lan cũng quyết định mở rộng vai trò trong liên minh do Mỹ đứng đầu chống IS tại Syria. Hà Lan sẽ triển khai các máy bay chiến đấu F-16 tham gia không kích các mục tiêu IS tại Syria. Nếu quyết định trên được Quốc hội Hà Lan thông qua, 6 chiếc F-16 của Hà Lan đã hiện diện tại Trung Đông để không kích IS tại Iraq sẽ mở rộng hoạt động sang các vị trí của IS tại miền Đông Syria.
Trong diễn biến khác, Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) vừa thừa nhận trong 4 cuộc không kích tại Syria và Iraq vào năm ngoái đã làm 5 người dân thiệt mạng và 8 người bị thương. Đa số thương vong xảy ra ở thành phố Raqqa, Syria vốn đang thuộc quyền kiểm soát của IS. 4 vụ không kích diễn ra từ 27-7 đến 16-10-2015. Lầu Năm Góc cho biết đang xem xét những thương vong từ dân thường trong cuộc chiến chống IS. Cho đến gần đây, CENTCOM mới thừa nhận có dân thường thiệt mạng trong các vụ không kích tại Iraq và Syria. Tuy nhiên, con số CENTCOM đưa ra có sự chênh lệch lớn so với các cuộc điều tra độc lập khác. Đã có hàng loạt cáo buộc về thương vong dân sự trong tổng số hơn 9.800 cuộc không kích của liên minh do Mỹ đứng đầu từ tháng 8-2014. Quân đội Mỹ đã bác hầu hết cáo buộc và tuyên bố không đáng tin cậy.
PHƯƠNG NAM (tổng hợp)