Khơi thông nguồn lực kiều bào

Dịch Covid-19 tác động làm ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của thế giới và Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng. Từ trong nỗi lo toan ấy đã sáng lên nét đẹp của tình đoàn kết, tương thân tương ái, nghĩa đồng bào, thắp lên hy vọng về sự hồi phục, phát triển quê hương sau dịch bệnh.

 Hình ảnh những chuyến bay đặc biệt của Việt Nam đến các quốc gia đón người lao động, kiều bào về nước giữa mùa dịch, đã làm rung động bao trái tim. Thành công bước đầu trong phòng chống dịch Covid-19 ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung đã có sức thuyết phục rất lớn với kiều bào trên toàn thế giới.

Từ nhiều năm qua, kiều bào đã hội nhập sâu rộng vào mọi mặt đời sống các nước sở tại. Dù ở đâu, làm gì nhưng trong trái tim của mỗi kiều bào đều dành những tình cảm tốt đẹp và chân thành cho quê hương, luôn đồng hành với sự phát triển của đất nước, của thành phố mang tên Bác. 

Năm 2020, trước những nỗ lực của quê nhà, đa số kiều bào đều tâm đắc, đồng thuận với “nhiệm vụ kép” của cả nước và của TPHCM, nghĩa là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. 

Hôm nay 30-10, hơn 250 kiều bào hội tụ về TPHCM cùng hơn 200 kiều bào từ các quốc gia, vùng lãnh thổ kết nối trực tuyến với TPHCM, tham gia góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam. Chia sẻ với TPHCM và cả nước, kiều bào góp ý, hiến kế các giải pháp phát triển kinh tế cho Việt Nam và TPHCM thời kỳ hậu Covid-19; giải pháp tài chính, giải pháp lao động, đổi mới sáng tạo giúp các doanh nghiệp khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh phục hồi để phát triển. Kiều bào đặc biệt phấn khởi khi tháng 6-2020, Thủ tướng đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia, và chỉ 1 tháng sau, UBND TPHCM đã ban hành chương trình chuyển đổi số của TPHCM. Trong dịp gặp gỡ này, các kiều bào sẽ hiến kế thêm những giải pháp để Việt Nam có thể hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đồng thời, hiến kế để xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Chung tay góp ý, hiến kế về chuyển đổi số và khắc phục tác động của dịch Covid-19 đều là các vấn đề quan trọng, cấp thiết hiện nay với TPHCM và Việt Nam để phát triển kinh tế - xã hội. 

Có thể khẳng định, đóng góp của kiều bào đối với sự phát triển của quê hương là không nhỏ. Hàng năm, kiều hối gửi về nước 16 - 19 tỷ USD. TPHCM chiếm từ 1/3 đến 1/2 trong tổng số đó. Năm nay, mặc dù dịch Covid-19 tác động nhiều mặt, nhưng lượng kiều hối chuyển về TPHCM trong 9 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt 4 tỷ USD (tăng 2% so với cùng kỳ). Con số từ 70%-72% kiều hối chảy vào sản xuất kinh doanh cho thấy ý nghĩa của kiều hối cho phát triển kinh tế - xã hội TPHCM là rất lớn. Không chỉ đóng góp đơn thuần về tài chính, kiều bào còn ra sức đóng góp trí lực, tâm sức cho sự phát triển quê hương. Hơn 3.000 doanh nghiệp kiều bào được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng vốn hơn 45.000 tỷ đồng tại TPHCM. Hàng năm, hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn; hơn 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường đại học, viện nghiên cứu, khu công nghệ cao, tham gia các đề án tại TPHCM…

Sự đóng góp ấy rộng khắp các lĩnh vực, thế nhưng theo nhận định thì vẫn chưa tương xứng với nguồn lực, thế mạnh của kiều bào ta trên toàn thế giới. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục lớn mạnh và phát triển với 5,3 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. TPHCM là địa phương có số lượng kiều bào đông nhất cả nước, với gần 2 triệu người. Để khơi thông và phát huy nguồn lực kiều bào, đòi hỏi cần có các giải pháp tổng thể, mang tính chủ động.

Với tinh thần không thụ động chờ kiều bào quay về đóng góp, lãnh đạo TPHCM chủ động kết nối, đến các quốc gia và vùng lãnh thổ để mời gọi kiều bào tham gia đóng góp, hiến kế, xây dựng thành phố. Riêng Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đang nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu về kiều bào, bao gồm kiều bào lớn tuổi có nhiều đóng góp và chú trọng những gương mặt kiều bào trẻ đầy tiềm năng. TPHCM tập trung xây dựng mạng lưới kiều bào, quy tụ tâm huyết, tăng cường gắn kết giữa trí thức kiều bào với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp; tìm kiếm, đề xuất các giải pháp để huy động tốt hơn nữa nguồn lực kiều bào. Với kiều bào trẻ, TPHCM tổ chức các diễn đàn kết nối startup giữa người Việt Nam ở trong nước và kiều bào; gắn kết các kiều bào trẻ với các ý tưởng, dự án, mô hình… để tiếp tục tham gia hiến kế, đề xuất và đóng góp cho TPHCM. 

Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị nêu rõ: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Có thể khẳng định, sự đóng góp kiều bào cho sự phát triển TPHCM và cả nước là không thể đong đếm hết được. Mỗi kiều bào là một cầu nối hiệu quả gắn Việt Nam, kết nối TPHCM với thế giới và ngược lại. TPHCM trân trọng những đóng góp đó và sẽ tiếp tục nỗ lực để khơi thông, phát huy nguồn lực kiều bào ngày càng hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục