Không cải tiến để phát triển xanh, doanh nghiệp sẽ phải đi bước lùi

Không cải tiến để phát triển xanh, doanh nghiệp sẽ phải đi bước lùi

Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia kinh tế và môi trường xung quanh cuộc họp bàn về giải pháp phát triển xanh. Riêng tại Việt Nam, Chính phủ đã khẳng định quan điểm sẽ hướng đến nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Vấn đề còn lại là cộng đồng và doanh nghiệp sẽ làm gì để đổi mới hoạt động sản xuất cũng như thói quen xã hội để đạt được mục tiêu phát triển xanh.

Nhiều gói hỗ trợ chờ doanh nghiệp phát triển xanh

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Viện phó Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường khẳng định, hiện Chính phủ đã phê duyệt rất nhiều chương trình mục tiêu quốc gia nhằm hướng đến phát triển xanh. Cụ thể, chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng sạch; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; ứng phó với biến đổi khí hậu; sản xuất sạch hơn; giảm thiểu ô nhiễm…

Dây chuyền sản xuất sữa của Công ty Vinamilk

Dây chuyền sản xuất sữa của Công ty Vinamilk

Tất cả các chương trình, chiến lược mục tiêu quốc gia nhằm hướng đến một mục tiêu chung là doanh nghiệp phải sản xuất ngày càng xanh hơn, sạch hơn và người dân nói chung hướng đến những thói quen có lợi cho môi trường hơn. Khẳng định vấn đề này, ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng quản lý năng lượng Sở Công thương cho biết, điển hình như Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành. Theo đó, đầu năm 2013 sẽ buộc các nhà sản xuất các sản phẩm thiết bị gia dụng sử dụng điện phải dán nhãn tiết kiệm năng lượng.

Việc thực hiện giải pháp này nhằm giúp cộng đồng dân cư nhìn nhận rõ đâu là sản phẩm tiết kiệm năng lượng và đâu là sản phẩm không tiết kiệm năng lượng. Từ đó có sự lựa chọn đúng hơn, có lợi hơn cho môi trường sống của chính mình. Vấn đề còn lại là Sở Công thương các tỉnh thành sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm đối với môi trường và cho chi phí sinh hoạt từng hộ gia đình. Ông Trần Việt Hòa, Trưởng phòng phát triển dự án tiết kiệm năng lượng Bộ Công thương cho biết với các doanh nghiệp, để tăng cường hiệu quả việc sử dụng năng lượng sạch và tiết kiệm, Bộ Công thương cũng vừa triển khai mô hình ESCO (Energy Service Company).

Ông Nguyễn Dương Tuấn, Tổng Giám Đốc Công Ty Solar-BK – một trong những đơn vị được Bộ Công thương giao thực hiện mô hình ESCO cho biết, mô hình ESCO với việc chuyên thực hiện các gói dịch vụ năng lượng bao gồm lập kế hoạch, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo trì, tối ưu hóa, đóng góp (đầu tư) tài chính cho doanh nghiệp áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận nguồn năng lượng sạch một cách hiệu quả, an toàn, tránh các rủi ro về tài chính và kỹ thuật.

Mô hình này hiện đã và đang được triển khai thành công tại các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông… Có thể thấy, rào cản lớn nhất cho quá trình phát triển xanh, sạch là trình độ quản lý sản xuất của doanh nghiệp chưa tốt. Sự phối hợp giữa các khâu trong quy trình sản xuất chưa tối ưu, công nghệ thiết bị chưa đạt hiệu quả năng lượng cao. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng chưa thực sự quan tâm hoặc có quan tâm nhưng tâm lý sợ thay đổi hệ thống máy móc hiện hành khiến họ không mạnh dạn đầu tư cho sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm…

Không chỉ vậy, rào cản về thiếu kinh nghiệm trong triển khai loại dự án tiết kiệm năng lượng của các đơn vị tư vấn tại Việt Nam đang khiến cho nhiều doanh nghiệp từ chối đầu tư cho lĩnh vực này. Nắm bắt được thực tế đó, Bộ Công thương đã nhanh chóng chuyển đổi mô hình hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng.

Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ định một số đơn vị sản xuất trang thiết bị sử dụng năng lượng sạch triển khai đầu tư, lắp đặt hệ thống thiết bị sử dụng năng lượng sạch với quy mô công nghiệp tiết kiệm điện. Từ đó làm cơ sở nhân rộng cho nhiều doanh nghiệp trên cả nước. Và cách làm này được gọi là mô hình ESCO và hiện đang tạo nên những hiệu quả hết sức thiết thực cho doanh nghiệp.

Không dừng lại đó, riêng tại TPHCM, ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khẳng định, hơn mười năm qua, thành phố kiên trì triển khai hai nguồn quỹ là quỹ giảm thiểu ô nhiễm và quỹ xoay vòng vốn để hỗ trợ doanh nghiệp cải tạo công nghệ sản xuất theo hướng tiết giảm nguyên liệu sản xuất đầu vào, giảm thiểu chất thải phát sinh.

Đẩy mạnh hoạt động tiêu dùng xanh

60% là con số thể hiện sức tăng mức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp xanh tham gia chiến dịch tiêu dùng xanh hàng năm tại TPHCM. Vốn đã và đang trở thành hoạt động thường niên, mỗi năm vào tháng 6 tại TPHCM tháng Tiêu dùng sản phẩm xanh lại được kích hoạt.

Theo đó, những doanh nghiệp được UBND TPHCM chứng nhận là doanh nghiệp xanh hoặc những doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường do UBND các tỉnh thành, Bộ Tài nguyên và Môi trường chứng nhận đều cùng tham gia vào một phong trào – phong trào vận động người dân sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Đại diện Ban tổ chức chương trình khẳng định, khác với nhiều hoạt động phong trào khác, tháng tiêu dùng sản phẩm xanh được thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực nhằm đi sâu vào việc giúp cộng đồng nhận thức rõ lợi ích của việc sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Lợi ích này không chỉ dừng lại ở việc giúp các doanh nghiệp có thêm động lực khuyến khích để ngày càng hoàn thiện hoạt động sản xuất theo hướng xanh hơn, sạch hơn, có lợi cho môi trường hơn. Mà việc tăng thói quen tiêu dùng xanh còn giúp giảm chất thải phát sinh ra môi trường, dần dần cải thiện chính môi trường khu vực sống xung quanh hộ gia đình của mình. Từ đó, giảm thiểu những rủi ro do ô nhiễm môi trường tác động đến sức khỏe cộng đồng dân cư, trong đó có những thành viên gia đình mình.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op khẳng định, năm 2012 là năm thứ 3 Saigon Co.op tham gia vào chiến dịch tiêu dùng xanh. Có thể khẳng định, mức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp xanh tham gia trong chiến dịch này tại hệ thống siêu thị Co.op tăng 50 – 60% so với các tháng khác. Điều này đã chứng tỏ người tiêu dùng thực sự đã bắt đầu làm quen với khái niệm tiêu dùng xanh. Song song đó là thay đổi thói quen tiêu dùng một cách hợp lý. Đây là cơ sở để tiếp tục triển khai phong trào này trong những năm tiếp theo.

Đại diện Sở Công thương TPHCM khẳng định, Tháng tiêu dùng xanh đã trở thành một trong những hoạt động thường niên của TPHCM. Đây cũng được xem là dấu ấn khá rõ nét thể hiện quan điểm của thành phố luôn hướng tới mục tiêu phát triển thành phố nhanh, bền vững và luôn xanh, sạch. Trong thời gian tới, Ban tổ chức sẽ trình UBND TP phê duyệt kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêu dùng xanh năm 2013. Theo đó, tập trung nhấn mạnh đến việc vận động hệ thống chính trị, đoàn thể, cơ quan chức năng cùng tham gia vận động cộng đồng hưởng ứng thực hiện tháng tiêu dùng xanh. Chính sự tham gia của cộng đồng sẽ góp phần quan trọng đẩy nhanh hoạt động cải thiện môi trường trong thời gian tới nói chung và sự thành công cho chiến dịch tiêu dùng xanh nói riêng.

Có thể nói, từ hoạt động tiêu dùng xanh tại TPHCM, hiện nhiều tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Hà Nội… đã và đang thực hiện cuộc vận động cộng đồng hưởng ứng hành động tiêu dùng xanh. Điều này thể thiện phong trào sống xanh đang lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng. Do vậy, nếu không muốn bước một bước lùi  và thích ứng với xu hướng sống xanh này, doanh nghiệp chắc chắc phải tự cải tạo mình theo hướng xanh hơn, sạch hơn.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục