Sau 22 ngày không có thêm người nhiễm dịch Covid-19, ngày 6-3, Việt Nam đã ghi nhận bệnh nhân thứ 17, ở Hà Nội. Ngay trong đêm đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội đã họp khẩn cấp để thông tin về sự việc liên quan với báo chí. Cùng thời điểm, hàng loạt biện pháp khẩn cấp được thực hiện... Đến chiều 7-3, Việt Nam đã có thêm 3 ca nhiễm dịch Covid-19, nâng tổng số lên 20 ca. Và điều đáng tiếc, trong đó có 2 người trực tiếp đã tiếp xúc với bệnh nhân thứ 17 nói trên. Con số lây nhiễm từ bệnh nhân thứ 17 có thể sẽ còn tăng, qua nhiều hình thức khác nhau, nhưng hy vọng với hàng loạt biện pháp quyết liệt đã và đang làm, các nguy cơ đi kèm sẽ được hạn chế tối đa.
Ngày 7-3, Việt Nam cũng chính thức áp dụng khai báo y tế bắt buộc tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam. Vì vậy, tất cả mọi người, cả ngoại quốc và Việt Nam khi nhập cảnh phải ý thức được vấn đề, khai báo đầy đủ và trung thực, để không còn xảy ra tình trạng như bệnh nhân thứ 17 ở Hà Nội vừa qua.
Bộ Quốc phòng cũng vừa tổ chức diễn tập phòng chống dịch Covid-19 toàn quân, nhằm thống nhất trình tự nội dung, phương pháp chỉ huy, điều hành phòng chống dịch ở các cấp độ. Diễn tập đã đánh giá khả năng các nguồn lực, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án, kế hoạch, quy trình phòng chống dịch Covid-19 và sẵn sàng đối phó với một số tình huống phi truyền thống khác. Đến nay, toàn quân đã triển khai 6 bệnh viện dã chiến phòng chống dịch Covid-19 với gần 3.000 giường bệnh; 69 khu cách ly với quy mô có thể tiếp nhận khoảng 38.000 người và đã thực hiện cách ly hơn 12.000 lượt người. Để tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 ở vùng biên giới, đã tăng cường 3.500 quân nhân bộ đội biên phòng lên các tuyến biên giới làm nhiệm vụ.
Ngày 4-3, Bộ Y tế cấp phép cho Học viện Quân y và Công ty Việt Á sản xuất đại trà bộ kit realtime RT PCR one step phát hiện nhanh virus nCoV để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch Covid-19. Hiện tại, năng lực sản xuất của Công ty Việt Á khoảng 10.000 test kit/ngày, có thể tăng công suất lên 3 lần; hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu hoặc hỗ trợ quốc tế trong tình trạng dịch Covid-19 bùng phát. Việt Nam hiện là một trong số ít quốc gia thành công trong việc nghiên cứu chế tạo bộ kit này và lần đầu tiên Việt Nam có một sinh phẩm được đăng ký quốc tế ngay khi dịch được WHO cảnh báo mối nguy hiểm “mức rất cao ở cấp độ toàn cầu”.
Rõ ràng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đều đã vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt để đối phó nguy cơ dịch Covid-19 lan rộng, bùng phát ở Việt Nam. Sau việc thực hiện cách ly thành công xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), phương án cách ly một địa bàn rộng hơn, thậm chí ở Hà Nội và TPHCM đã được lên phương án. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta không chủ quan, khi nào dập hết dịch thì mới yên tâm được. Nhưng cùng việc không chủ quan, người dân cũng cần phải bình tĩnh trước các thông tin đang nhiễu loạn trên mạng xã hội thời điểm này. Cần phải biết sàng lọc, tiếp cận với những nguồn tin chính thống, từ đó có ứng xử phù hợp.
TP Vũ Hán (Trung Quốc) bị cách ly hoàn toàn vì dịch Covid-19 từ ngày 23-1 đến nay, nhưng người dân ở đây không bị đói hay thiếu thực phẩm. Vì vậy, không lý gì, tại thời điểm này, người dân Việt Nam lại hoang mang đi mua tích trữ hàng hóa, thực phẩm… xếp hàng rồng rắn, chen lấn xô đẩy ở siêu thị, cửa hàng, chợ búa. Hãy tin tưởng vào hệ thống chính trị, của ngành y tế, của quân đội, của các nhà khoa học, của chính quyền các cấp Việt Nam trong cuộc chiến với dịch Covid-19 này.
Chiều 7-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch UBND Hà Nội và các doanh nghiệp cung ứng lương thực, thực phẩm cung cấp đủ hàng hóa cho các hệ thống siêu thị và cửa hàng tại Hà Nội, không để thiếu hàng hóa; đồng thời yêu cầu lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ tích trữ, nâng giá trái pháp luật…
Không phải ngẫu nhiên khi Việt Nam liền sát biên giới với Trung Quốc, nơi phát dịch, mà đến nay số ca nhiễm bệnh vẫn còn thấp và chưa ai tử vong. Chúng ta không chủ quan, song cũng không hoang mang, lo lắng thái quá ở thời điểm này, khi mà Việt Nam đang làm chủ được tình hình.