Vụ chiếc máy bay của Hãng hàng không Vietjet gặp sự cố nghiêm trọng khi vừa hạ cánh đang là câu chuyện nóng hổi trên nhiều diễn đàn. Hơn 200 hành khách trên chuyến bay này vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại giây phút chiếc máy bay bất ngờ lao khỏi đường băng. Vì sự cố này, hơn 200 chuyến bay phải hoãn, hủy, cùng nhiều hành khách bị ảnh hưởng dây chuyền.
Bên hành lang Quốc hội, giới báo chí cũng đặt nhiều câu hỏi với người đứng đầu ngành GTVT. Đó là bởi, vấn đề an toàn hàng không vẫn luôn được xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là khi phương thức vận tải này đang ngày càng chiếm ưu thế.
Theo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), các sự cố về mất an toàn bay đều được điều tra nghiêm túc để tìm ra nguyên nhân. Các chuyên gia sẽ phân tích các yếu tố thời tiết, tiến hành giải mã hộp đen máy bay, đọc ghi âm buồng lái và phân tích các dữ liệu liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều sự cố đã xảy ra từ trước đến nay không được nhà chức trách hàng không công bố kết luận điều tra.
Vì lẽ đó, người dân có quyền đặt câu hỏi, nguyên nhân mất an toàn hàng không có bao nhiêu phần trăm do yếu tố khách quan, bao nhiêu phần trăm do yếu tố chủ quan? Trong đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GTVT, Cục HKVN, của các doanh nghiệp khai thác cảng hàng không và hãng hàng không ra sao?
Cũng phải nói thêm, sự cố chiếc máy bay của Vietjet trượt khỏi đường băng xảy ra vào thời điểm sân bay Tân Sơn Nhất vừa tạm đóng cửa 1 trong 2 đường băng để phục vụ sửa chữa, nâng cấp. Với một sân bay có tần suất cất hạ cánh lớn như Tân Sơn Nhất nhưng chỉ có 1 đường băng duy nhất hoạt động thì khi có sự cố xảy ra sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt chuyến bay đi - đến. Không những thế, nhiều sân bay khác có đường bay đi - đến Tân Sơn Nhất cũng chịu ảnh hưởng bởi ùn ứ hành khách.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu việc sửa chữa, nâng cấp đường cất hạ cánh các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất và Nội Bài được triển khai sớm hơn, có lẽ chúng ta đã có thể loại trừ được nguyên nhân sự cố do hạ tầng hàng không. Từ năm 2017, đơn vị quản lý cảng đã có cảnh báo về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng khu bay của sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng và áp suất bánh hơi lớn.
Theo tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế, nếu không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời, 2 sân bay này có thể phải dừng khai thác hoạt động bay. Hơn nữa, hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn hiện hữu không đáp ứng được nhu cầu khai thác dự kiến đạt đến 44 triệu hành khách/năm vào năm 2025 đối với sân bay Nội Bài và 50 triệu hành khách/năm đối với sân bay Tân Sơn Nhất. Việc sửa chữa, nâng cấp khu bay đã được Chính phủ, Bộ GTVT, Cục HKVN xác định là cấp bách, thế nhưng việc triển khai vẫn chậm trễ từ năm này sang năm khác.
Ngoài yếu tố về hạ tầng hàng không, một yếu tố cũng rất đáng quan tâm là con người. Theo như Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời bên hành lang Quốc hội, nhận định ban đầu cho thấy lỗi lớn ở phi công. Khi máy bay hạ cánh, phi công thực hiện theo lệnh cấp phép của cơ quan quản lý bay, nhưng phi công có quyền thực hiện hạ cánh hoặc không. Xác định lỗi tại phi công hay thời tiết, hay yếu tố kỹ thuật nào đó sẽ có cơ quan điều tra kết luận nhưng rõ ràng, chất lượng, trình độ phi công cũng là điều rất cần được quan tâm.
Trong bối cảnh nguồn nhân lực phi công khan hiếm, các hãng hàng không phải chạy đua “giành giật” phi công cho hãng, tìm kiếm nguồn phi công từ nước ngoài, việc kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng phi công một lần nữa cần được nhà chức trách hàng không, các hãng hàng không lưu ý.
Nhu cầu đi lại của người dân trong nước đang dần khôi phục trở lại như thời kỳ trước dịch Covid-19. Sắp tới, các đường bay quốc tế sẽ được xem xét mở lại. Trong bối cảnh nhu cầu đi lại tăng cao, việc vừa đảm bảo an toàn hàng không vừa thi công sửa chữa sẽ là áp lực không nhỏ, cần được Bộ GTVT, Cục HKVN, đơn vị quản lý cảng và các hãng hàng không đặc biệt quan tâm.