Không còn đường thoái lui!?

Theo lộ trình đã được công bố từ nhiều năm trước, từ 1-1-2020, các đơn vị công lập hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (VHNT) sẽ chuyển qua hoạt động theo cơ chế tự chủ, chủ yếu là tự chủ tài chính, phải tự hoạt động, tự nuôi mình bằng các nguồn thu không lấy từ ngân sách nhà nước. Với giới nghệ sĩ, điều này - dù đã chuẩn bị tâm lý kỹ càng, vẫn có gì đó thoáng bàng hoàng giống như đang ở diện hộ nghèo thì bỗng dưng một ngày đẹp trời buộc phải viết đơn xin thoát nghèo, không còn được nhận khoản trợ cấp hàng tháng theo tiêu chuẩn. Nhưng đó là việc cần làm, phải làm, xét trên cơ sở nguồn ngân sách nhà nước phải dàn trải, co kéo, không thể cái gì cũng “ôm”, cái gì cũng “nuôi”.

Trên thực tế, từ năm 2016, một số đơn vị công khối VHNT đã thử nghiệm mô hình tự chủ tài chính ở các mức độ khác nhau, từ 100% đến 30-40% kinh phí hoạt động và đạt được kết quả khả quan về doanh thu lẫn hiệu ứng xã hội.

Nhưng đó chỉ là số ít với các loại hình nghệ thuật biểu diễn mang tính đại chúng khi có “nhà” để “hát”, có đội ngũ nhân lực đủ sức thoát vòng kim cô bao cấp. Điều ghi nhận là các nhà hát dạng trên cũng rất khó sống nếu chỉ dựa vào doanh thu biểu diễn, như ở Hà Nội - nơi tập trung đông nhất các đơn vị VHNT công lập thuộc Bộ và Sở VH-TT-DL, khi các buổi diễn cũng chỉ sáng đèn dịp cuối tuần, lễ hội, với giá vé chỉ ngang 1kg thịt heo (khoảng 200.000 đồng/vé). Sau khi trừ hết chi phí (điện nước, xăng xe, bồi dưỡng diễn viên, công nhân viên...), số tiền dôi dư cũng chẳng còn bao nhiêu, không thể tích lũy tái đầu tư hoạt động nghệ thuật. Ở các địa phương khác, tình cảnh não nề hơn với điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu đồng bộ, thiếu nhân lực, vị trí biểu diễn không đắc địa..., dẫn tới doanh thu một đêm diễn chỉ được từ chục triệu đến trăm triệu đồng - một khoản thu như cây nến le lói cháy trong cơn gió bão thị trường.

Đáng lo ngại nhất là các đoàn nghệ thuật kịch hát dân tộc (tuồng, chèo, cải lương, múa rối…) không thể tồn tại nếu thiếu tiền “bơm” từ ngân sách. Một giám đốc nhà hát than thở rằng bảo tồn và phát triển “bản sắc dân tộc” ra sao nếu đòi họ tự bươn chải trong cơ chế thị trường? Ông dẫn chứng về nguồn nhân lực tinh hoa: một diễn viên trẻ đã qua đào tạo ở trường hết 4 năm, khi đầu quân về đoàn thì không được ký hợp đồng dài hạn, chỉ thời vụ và ngắn hạn, được xếp lương 2 triệu đồng/tháng, và “như thế thì làm sao nuôi dưỡng nguồn nghệ thuật được”. Theo ý ông, không thể cào bằng các loại hình nghệ thuật, vẫn cần “lộ trình” thích nghi… và vẫn phải nuôi 100% các đơn vị nghệ thuật truyền thống. Từ đó mới thấy sự lúng túng trong quản lý các cấp với bài toán “xin - cho” không lối thoát. Ngay với loại hình sân khấu truyền thống này, cách bảo tồn và phát huy của chúng ta thật sự là khác người, khi chỉ chuộng hình thức với những tấm bằng phong di tích. Rõ rệt nhất là mới đây, khi đại diện UNESCO tuyên bố bằng chứng nhận của họ không phải để vinh danh di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia hay nhân loại thì tất cả mới ngã ngửa. Và sự thật là số tiền bỏ ra để lập hồ sơ, thuê chuyên gia thẩm định… cho các bằng cấp kiểu này có thể đủ nuôi cả vài đoàn nghệ thuật trong nhiều năm.

Mới đây, khi hay tin năm 2020 nhà nước tiếp tục bao cấp cho 10 hội chuyên ngành của Hội VHNT Việt Nam (Hội Nhà văn, Sân khấu, Múa, Mỹ thuật…) thì ông chủ tịch đã gần như khóc bộc bạch “anh em ơi, chúng ta sống rồi”. Sống, nghĩa là mỗi hội trung ương được rót kinh phí năm khoảng 9 tỷ đồng tiền nuôi biên chế (20-30 người), nuôi trại sáng tác, nuôi giải thưởng năm, nuôi lái xe và chiếc xe hơi của chủ tịch hội… Hiệu quả của cách sống này là cả chục năm qua chúng ta vẫn chờ, vẫn đợi tác phẩm đỉnh cao và vẫn hy vọng có chút lóe sáng trong sáng tạo!

Rõ ràng, khi đã chuyển sâu vào nền kinh tế thị trường, VHNT không thể đứng bên lề, cần phải sắp xếp lại bộ máy quản lý theo hướng tinh gọn, như thu gom các đầu mối nghệ thuật tỉnh về một trung tâm bảo tồn và phát triển khu vực, chuyển đổi mô hình đơn vị sự nghiệp sang mô hình doanh nghiệp, cắt giảm biên chế gián tiếp, bỏ chế độ xăng xe cho lãnh đạo hội... để tăng thu nhập cho người làm nghệ thuật trực tiếp, sao cho họ có thể sống được với nghề. Và như vậy, tự chủ vẫn là con đường duy nhất, không còn đường thoái lui.

Tin cùng chuyên mục