Như vậy, 1.311 đảng bộ trên cơ sở đã hoàn thành đại hội, chuẩn bị cho những đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước sẽ diễn ra từ cuối tháng 9 này. Bên cạnh những thành công, kết quả to lớn đã đạt được, Ban Tổ chức Trung ương cũng chỉ ra một số điểm hạn chế qua việc tổ chức đại hội ở một số đảng bộ cấp trên cơ sở. Đó là hạn chế, thiếu sót trong văn kiện đại hội như: dàn trải, mang tính liệt kê, nặng trình bày về số liệu; một số nơi đánh giá chưa toàn diện, thiếu tính khái quát, chưa đi sâu phân tích những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; chưa xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ tới, thiếu những giải pháp mang tính đột phá nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, cơ quan, đơn vị; trùng lặp nội dung giữa các báo cáo; tính phê bình và tự phê bình còn thấp… Trong đó, công tác nhân sự là một điểm cần hết sức lưu ý.
Theo đánh giá, công tác chuẩn bị nhân sự của một số cấp ủy chưa thật tốt nên có trường hợp bầu không đúng với đề án nhân sự được phê duyệt. Một số nơi nhân sự được giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử, cá biệt có cán bộ chủ chốt (như ở đảng bộ trực thuộc Hà Nội, Quảng Trị, Bộ Quốc phòng) tái cử không trúng cử cấp ủy hoặc bí thư, phó bí thư; một số nơi có biểu hiện lạm dụng việc chỉ định bí thư tại đại hội hoặc ngay sau đại hội gây nhiều ý kiến trái chiều và dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân (như ở Bắc Ninh và Trà Vinh).
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế là do một số cấp ủy chưa thực sự nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, nhất là những nội dung mới về công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của một số cấp ủy chưa thường xuyên, sâu sát, quyết liệt, trong đó có vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy; chưa làm tốt công tác tư tưởng và giải quyết chưa dứt điểm những vướng mắc, nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Công tác nhân sự của một số cấp ủy chưa thật sự chặt chẽ, còn bị động, chưa gắn kết với tình hình thực tiễn, có nơi còn biểu hiện chủ quan, cục bộ, vận động, gượng ép, giới thiệu nhân sự chưa thực sự có tín nhiệm cao…
Theo đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương đang tiếp tục tham mưu chuẩn bị tổ chức tốt đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương và hoàn thiện quy chế bầu cử, quy chế làm việc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, thực hiện nghiêm túc Quy định số 205 (ngày 23-9-2019) của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền để góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền nhất là trong việc chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp.
Để chuẩn bị tốt đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương sắp tới, bài học rút ra là phải bảo đảm đúng quy trình, dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong công tác nhân sự đại hội theo phương châm “làm từng bước chặt chẽ, từng việc cụ thể, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó”; chủ động nắm chắc tình hình nhân sự, kịp thời xử lý các tình huống ngoài dự kiến. Trong đại hội cần đổi mới phương pháp điều hành việc lấy ý kiến tham gia vào dự thảo văn kiện đại hội; chú trọng gợi ý thảo luận sâu, tập trung vào những nội dung mới, khó hoặc những vấn đề còn ý kiến khác nhau; các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp đột phá… Đặc biệt, khi xử lý các tình huống phát sinh trong tổ chức đại hội, nhất là trong công tác nhân sự, bầu cử phải luôn giữ vững và thực hiện đúng các nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo phương châm đơn giản hóa các vấn đề phức tạp; xem xét, xử lý từng vấn đề độc lập trong tổng thể vướng mắc, làm đến đâu gọn đến đó; kiên quyết không để xảy ra tình trạng hợp thức hóa quy trình nhân sự nhằm thực hiện ý đồ cá nhân.