Không để ngư dân tự “bơi”

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Trong cả lý luận và thực tiễn, Đảng ta luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí tầm chiến lược, coi đó là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị - dân sinh, bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Triển khai Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những năm qua nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành; nhiều nguồn lực đã được ưu tiên phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Riêng về kinh tế biển, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đặt ra mục tiêu: Việt Nam trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển theo hướng phát triển bền vững; phấn đấu đóng góp 53% - 55% tổng GDP, 55% - 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đời sống người dân vùng biển và ven biển.

Đây là những chính sách đúng đắn, hợp lòng dân. Tuy nhiên, ghi nhận tại cuộc hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển” do Báo SGGP phối hợp cùng các bộ, ngành trung ương tổ chức cuối năm 2013, các đại biểu là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này đều có chung nhận định: Thực tế ngư dân và người dân mưu sinh ven biển nước ta hiện nay cơ bản vẫn là đối tượng nghèo, thu nhập thấp, trình độ văn hóa thấp; lao động trong ngành nghề vất vả, gian khổ, nguy hiểm nên đời sống rất bấp bênh; khó vượt lên thoát nghèo, tỷ lệ tái nghèo cao mỗi khi gặp thiên tai. Trong khi đó trung bình mỗi năm nước ta phải chống chịu trên 10 cơn bão, mà ngư dân là đối tượng trực tiếp bị thiệt hại.

Các đại biểu đã kiến nghị nhiều chính sách không còn phù hợp cần tháo gỡ trong thời gian tới: Hiện nay chính sách tín dụng đối với ngư dân để đóng tàu, mua ngư lưới cụ, trang thiết bị đánh bắt hải sản và bảo quản, chế biến được vay tối đa 50 triệu đồng không cần tài sản đảm bảo đối với các cá nhân, hộ sản xuất ngư nghiệp; 200 triệu đồng đối với hộ kinh doanh phục vụ nông nghiệp nông thôn; 500 triệu đồng đối với hợp tác xã. Các điều kiện để được hưởng chính sách vay vốn còn chưa sát với thực tế khi đóng tàu phải máy mới 100%, các thiết bị khác phải đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa 60% trở lên. Việc cho vay vẫn áp dụng theo cơ chế cho vay thương mại, phải có tài sản thế chấp mới được vay số vốn lớn hơn; chưa tính đến đặc thù ngành nghề biển; thời gian vay vốn ngắn... Kết quả là chính sách tín dụng để đóng mới, hoán cải tàu thuyền đánh bắt xa bờ, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản đến nay chỉ có một số ít ngư dân được hưởng, ngư dân nghèo vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay!

Nước ta có chiều dài bờ biển 3.260km và 1 triệu km vùng biển kinh tế đặc quyền, rộng gấp 3 lần diện tích đất liền. Cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển (trong đó có 10 tỉnh, thành phố có hải đảo, quần đảo) với tổng diện tích 208.500 km², chiếm 41% diện tích cả nước với 41,2 triệu dân. Vì vậy, phát triển kinh tế biển không chỉ là vấn đề xóa đói giảm nghèo cho ngư dân và người dân ven biển, thúc đẩy phát triển kinh tế, mà còn vì mục tiêu bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững cương thổ quốc gia, bảo vệ chủ quyền đất nước. Vì vậy, thật bất hợp lý khi ngư dân không được hỗ trợ vốn vay, phần lớn phải dựa vào kênh tín dụng đen để đóng mới tàu công suất lớn, mua sắm ngư lưới cụ hiện đại; có tàu nhưng không có vốn lưu động ra khơi bám biển; lao động hành nghề trên biển không được bảo hiểm…

Điều đáng mừng là trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2014 và trong các buổi làm việc gần đây với các tổ chức, ngành chức năng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt: Phải ưu đãi, hỗ trợ tối đa để ngư dân bám biển sản xuất; phải đề ra giải pháp và chính sách mới hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu công suất lớn, hỗ trợ vốn để duy trì đánh bắt hải sản; giải quyết tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn vùng ven biển... Không để nông dân tự thân bươn chải, thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước. “Bà con ngư dân vươn khơi bám biển không chỉ vì miếng cơm manh áo, mà còn vì sự gắn bó, lòng tự hào với những ngư trường truyền thống của cha ông, cũng là biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Cũng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã đề xuất một chương trình mới để hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nhận được sự đồng thuận của Chính phủ. Dự kiến đây sẽ là gói tín dụng có quy mô lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, sẽ thực hiện cho vay theo chuỗi sản xuất, tập trung vào một số trọng tâm lớn: Tín dụng phục vụ ứng dụng công nghệ - khoa học vào sản xuất nông nghiệp; tín dụng phục vụ mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp; tín dụng phục vụ xuất khẩu nông thủy sản. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: “Về cơ cấu tiền tệ, NHNN đã dự kiến thời hạn vay, khối lượng vay, lãi suất cho vay sẽ thiết kế theo hướng phù hợp đặc thù ngành nghề khu vực này”.

Đây là tin mừng đối với nông dân, ngư dân; sẽ là cơ sở “chống lưng” để đối tượng “một nắng hai sương” này an tâm sản xuất, làm giàu cho chính mình và góp phần cho đất nước. Và để nông dân không tự “bơi”, gói thiết kế chính sách phải triển khai nhanh, tháo gỡ các lực cản để người dân thực sự tiếp cận được sự ưu đãi của Nhà nước.

LÊ TIỀN TUYẾN

Tin cùng chuyên mục