Thực tế là rất nhiều hàng tiêu dùng thiết yếu đã bị làm nhái, làm giả và thị trường tiêu thụ thuận lợi nhất của hàng nhái, hàng giả chính là nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi người dân ít khả năng nhận biết cũng như kháng cự hơn với những loại hàng hóa kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc.
Câu chuyện chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái chưa bao giờ hết nóng. Người dân lo lắng, Chính phủ quyết liệt, nhưng đến nay hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái vẫn chưa thỏa mãn người dân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện 225.837 vụ việc vi phạm (tăng 1,15% so với năm 2016), xử lý và thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 23.101 tỷ đồng, khởi tố 1.637 vụ việc (tăng 4,87% so với cùng kỳ) với trên 2.115 đối tượng (tăng 13,69% so với cùng kỳ). Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, vùng biển vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường, tập trung vào các nhóm mặt hàng cấm, các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, hàng có xuất xứ từ nước ngoài không rõ nguồn gốc.
Tình trạng sản xuất, kinh doanh tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng quá hạn sử dụng, ảnh hướng đến sức khỏe cộng đồng… vẫn tiếp tục xảy ra trên các tuyến, địa bàn trọng điểm trên biên giới. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia, khi triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ban cũng đã khẳng định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ... vẫn chưa được ngăn chặn. Đặc biệt hơn, tình trạng buôn lậu, gian lận trong kinh doanh xăng dầu với số lượng lớn qua hình thức tạm nhập, tái xuất có sự thông đồng của một số cán bộ trong ngành hải quan.
Rõ ràng, dù đã có nhiều nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp nhưng nạn hàng lậu, hàng giả vẫn chưa được kiểm soát mà lại có chiều hướng gia tăng. Hệ quả là người dân đang phải “sống chung” với hàng hóa kém chất lượng, hiểm họa bệnh tật, mất an toàn đến từ hàng loạt hàng hóa thiết yếu sử dụng hàng ngày. Cùng với đó là sự mất niềm tin vào chất lượng hàng hóa, mà câu chuyện của lụa Khai Silk năm 2017 là một ví dụ. Khi niềm tin về hàng hóa trong nước bị giảm sút, người tiêu dùng tìm đến hàng hóa nhập khẩu, nhưng ngay cả loại hàng này cũng tiềm ẩn hàng nhái, hàng giả rất nhiều, hệ quả là người dân tiền vẫn mất mà tật vẫn mang.
Chính phủ luôn khẳng định kiên quyết chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái, đấu tranh không có vùng cấm nhưng đến nay chưa hiệu quả. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhận định, nguyên nhân là do chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số nơi, một số ban, bộ, ngành còn chưa quan tâm, chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật. Trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chuyên trách, người đứng đầu chưa cao, còn biểu hiện bao che, thậm chỉ “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Tới đây, đồng chí Trương Hòa Bình cho hay Ban Chỉ đạo 389 sẽ thành lập các tổ kiểm tra, giám sát, kể cả hoạt động bí mật, đối với những cán bộ thiếu trách nhiệm trong công tác, có hành vi cấu kết, bao che tội phạm buôn lậu. Đây sẽ là một giải pháp hiệu quả, bởi sự thật, chỉ có cơ quan chức trách làm ngơ thì mới bỏ lọt tội phạm buôn lậu, buôn hàng giả. Cần xác lập các chuyên án lớn, đánh đúng, đánh trúng các ổ nhóm tội phạm buôn lậu các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc lá, tân dược. Trừng trị nghiêm minh các chủ đầu nậu, đường dây lớn, bên cạnh đó xử phạt thật mạnh tay những cán bộ bảo kê cho buôn lậu, buôn hàng giả… Có như vậy, người dân mới tránh được cảnh tiền mất, tật mang.