Đây là một trong những việc bức xúc của người dân vừa được đặt ra trên bàn nghị sự của kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa 9. Tôi xin góp thêm ý kiến về việc không khó xử lý tiếng ồn karaoke loa kéo.
Đúng là những quy định pháp luật chế tài việc này còn bất cập, chưa đồng bộ. Pháp luật hiện hành cũng chưa quy định rõ ràng về thiết bị, máy móc để kiểm tra, đo độ ồn, cũng như lực lượng thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Tuy nhiên, sẽ không khó để xử lý việc này nếu chính quyền địa phương, các sở ban ngành cũng như những người có trách nhiệm đồng lòng, kiên quyết làm đến nơi đến chốn. Chính quyền TP Đà Nẵng đã kiên quyết chỉ đạo các quận huyện, xã phường ra quân lập lại trật tự, khắc phục nạn gây ồn bằng karaoke loa kéo và giao lực lượng cảnh sát môi trường phối hợp cùng đơn vị đo đạc nhà nước đến hiện trường đo độ ồn bằng thiết bị chuyên dụng để làm căn cứ xử lý. Mặt khác, yêu cầu các hàng quán cam kết không sử dụng loa kéo gây ồn ào từ 22 giờ đêm. Đến nay, TP Đà Nẵng đã xử lý nghiêm hàng loạt trường hợp sử dụng loa kéo gây ồn ào nơi công cộng.
Cần mạnh tay trong việc xử lý tiếng ồn karaoke loa kéo. Phải có những quy định cụ thể của pháp luật phân định trách nhiệm, thẩm quyền của chính quyền địa phương cũng như của những người có trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý, tránh tình trạng bất cập, không đồng bộ. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền pháp luật để người dân biết và tuân thủ, thực hiện nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật cũng như hiểu biết việc gây ồn ào từ thùng loa kẹo kéo di động là hành vi vi phạm pháp luật và kém văn hóa.
Còn nhớ trước đây khi Chính phủ nghiêm cấm việc đốt pháo để hạn chế nguy cơ cháy nổ, đã có nhiều ý kiến phản đối và cho rằng việc cấm đốt pháo là hoàn toàn không khả thi, bởi đã trở thành phong tục, truyền thống. Thế nhưng, qua thời gian thực thi luật pháp nghiêm minh, người dân đã hiểu và từ bỏ đốt pháo. Vậy, không lẽ nào không cấm được karaoke loa kéo “tra tấn” người dân trong các khu dân cư.