Không tán thành mở rộng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành

(SGGPO) – Chiều 28-5, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã trình Quốc hội về dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).

(SGGPO) – Chiều 28-5, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã trình Quốc hội về dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).

Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban tư pháp của Quốc hội  cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho  Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, thành xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo Luật. Vì quy định này không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp đã nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp huyện. Đồng thời, quy định như vậy không đề cao được vai trò, bản lĩnh của đội ngũ Thẩm phán TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong giải quyết sơ thẩm án hành chính.
 
Về thủ tục rút gọn, Ủy ban Tư pháp tán thành với việc bổ sung quy định về thủ tục rút gọn và điều kiện áp dụng thủ tục trong dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Bản án, quyết định sơ thẩm theo thủ tục rút gọn bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục rút gọn. Thủ tục rút gọn được áp dụng ở cả giai đoạn xét xử sơ thẩm và giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án hành chính.
 
 Về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính, Ủy ban Tư pháp tán thành với ý kiến đề nghị quy định trong dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính của TAND nhằm xác định rõ hành vi vi phạm nào được coi là cản trở hoạt động tố tụng hành chính của TAND và bị xử lý hành chính cũng như hình thức xử lý, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 “Quyền con người, quyền cơ bản của công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của Luật”. Còn trình tự, thủ tục, thẩm quyền, mức tiền phạt… Ủy ban Tư pháp đề nghị thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính mà không giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc TAND tối cao quy định như dự thảo Luật mà Chính phủ trình.

Về việc phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm,  dự thảo Luật quy định: “người đề nghị giám đốc thẩm phải chịu án phí giám đốc thẩm trong trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị và được đưa ra xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm”. Ủy ban Tư pháp tán thành điều này nhằm khắc phục cơ bản tình trạng đơn đề nghị giám đốc thẩm tràn lan và quá tải trong giải quyết dẫn đến tồn đọng quá nhiều đơn như hiện nay. Tuy nhiên, TAND tối cao cần nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo Luật quy định về trình tự, thủ tục, mức án phí và thời hạn nộp án phí giám đốc thẩm đối với người đề nghị.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục