Mới chưa hết 3 tháng đầu năm 2018 nhưng nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng đã liên tiếp xảy ra trong cả nước khiến người dân và cộng đồng xã hội cảm thấy rất bất an. Không chỉ có các vụ cháy xảy ra tại nhà dân, hàng quán, làng nghề, cơ sở sản xuất, mà “bà hỏa” còn viếng thăm cả khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp... gây ra thiệt hại rất nặng nề cả về người và của.
Mới đây nhất vào ngày 7-3, vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại công trường thi công Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng (ở Trà Vinh) dù không gây thiệt hại về người nhưng ngọn lửa đã làm hư hỏng rất nhiều trang thiết bị có giá trị tại khu vực tháp hấp thu lưu huỳnh của nhà máy có mức đầu tư tới gần 10 triệu USD và đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công trình. Trong khi đó, vào chiều cùng ngày, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ phòng cháy chữa cháy (PCCC) cùng hàng chục xe cứu hỏa đã phải mất nhiều giờ quần thảo với “giặc lửa” mới khống chế được vụ cháy khủng khiếp tại một cơ sở sản xuất nệm mút ở ấp 1, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TPHCM. Tuy vụ cháy này cũng không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản là rất lớn khi gần 600m2 nhà xưởng bị lửa thiêu rụi. Trở lại với khu vực phía Bắc chỉ trong một thời gian ngắn cũng đã xảy ra khá nhiều vụ cháy nổ gây tổn thất rất lớn. Trong đó kinh hoàng nhất là vụ cháy nổ xảy ra tại làng nghề thu gom phế liệu lớn nhất miền Bắc ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh vào sáng sớm ngày 3-1 khiến 11 người thương vong và hàng chục ngôi nhà của người dân nơi đây bị cày xới, đổ sập, hư hỏng nặng khiến xóm làng tan hoang.
Theo Bộ Công an, chỉ tính riêng tháng 2-2018, tình hình cháy nổ tại các địa phương trong cả nước đã có sự gia tăng đáng kể với 376 vụ cháy, nổ xảy ra (tăng 37 vụ so với tháng 1-2018), làm chết 10 người, bị thương 27 người, tài sản thiệt hại ước tính gần 165 tỷ đồng. Trong khi đó, thống kê của Cục Cảnh sát PCCC, Bộ Công an, trong năm 2017, cả nước xảy ra 4.074 vụ cháy, làm chết 96 người, bị thương 203 người, tiêu hủy về tài sản trị giá 2.120 tỷ đồng và 339ha rừng. Xảy ra 21 vụ nổ làm 11 người chết, 24 người bị thương. Toàn lực lượng Cảnh sát PCCC đã thực hiện 5.027 vụ chữa cháy, tổ chức hướng dẫn thoát nạn được hàng ngàn người, trực tiếp cứu được 265 người và tìm được 191 thi thể nạn nhân bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý... Rõ ràng những thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ gây ra là rất nặng nề và đau thương. Tuy nhiên đáng lo ngại hơn khi cháy nổ đang khiến cho toàn bộ cộng đồng xã hội, từ mọi người dân cho tới các doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy và người lao động trở nên bất an, hoang mang lo lắng, cùng với đó là những ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình an ninh trật tự và phát triển kinh tế, xã hội.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho tình hình cháy, nổ trong toàn quốc ngày càng phức tạp và thiệt hại lớn hơn. Trong đó nguyên nhân hàng đầu và rất đáng báo động chính là tình trạng vi phạm các quy định PCCC còn phổ biến, ý thức chấp hành thực hiện các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ vẫn bị xem nhẹ, chủ quan, thậm chí là buông lỏng đang xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực và với không ít người. Rất nhiều vụ cháy xảy ra tại nhà xưởng sản xuất, khu công nghiệp, nhà máy, làng nghề... chỉ vì những sơ suất, bất cẩn trong quá trình sử dụng các thiết bị điện, nhất là việc hàn cắt trong quá trình sửa chữa, cải tạo. Trong khi đó, hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động tại những nhà xưởng này lại bị tê liệt do không có sự quan tâm đầu tư đúng mức. Đối với nhiều khu dân cư, đặc biệt là các chung cư cao tầng thì công tác PCCC tràn lan các vấn đề bất cập khi nhiều khu chung cư đều thiếu các thiết bị chữa cháy tối thiểu, như: bình bọt, đường nước chữa cháy, chuông báo cháy, bể nước phục vụ riêng cho cứu hỏa... Còn với các nhà dân hiện nay hầu hết được xây dựng có hệ thống “chuồng cọp” bảo vệ ở ban công, sân thượng và chỉ có một lối ra vào duy nhất là cửa chính nên khi hỏa hoạn đã gây nhiều khó khăn cho việc dập lửa, cứu hộ và cứu nạn, cũng như khiến những người ở trong nhà rất khó có thể thoát ra ngoài. Bên cạnh đó, về phía chính quyền các cấp, các ngành tại nhiều địa phương cũng chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác PCCC. Đặc biệt nhiều người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chủ hộ gia đình và người dân chưa nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong phòng ngừa hỏa hoạn.
Nhằm kiềm chế và kéo giảm được số vụ cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra, đòi hỏi các cấp chính quyền và cơ quan chức năng ở các địa phương cần phải đề cao hơn vai trò trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC. Đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên các quy định pháp luật về PCCC, cảnh báo nguy cơ cháy nổ, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, thoát nạn khi có cháy nổ xảy ra nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mọi người dân, người đứng đầu đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp và chính quyền về phòng chống cháy nổ. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định pháp luật về phòng chống cháy nổ, cũng như làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị buông lỏng, xem nhẹ công tác quản lý về an toàn phòng chống cháy nổ. Có như vậy người dân mới bớt đi nỗi bất an, lo lắng trước hiểm họa cháy nổ, góp phần bảo đảm tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội.