Thông thường, cứ mỗi lần giá xăng dầu được điều chỉnh thì giá hàng hóa trên thị trường cũng nhấp nhổm tăng theo. Hiện tượng “té nước theo mưa” đã và đang trở thành phổ biến trong 3 năm gần đây. Và, sau lần tăng giá xăng dầu vào ngày 10-6, diễn biến thị trường cũng không ngoại lệ.
Trong khi hầu hết siêu thị khẳng định, giá nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn ổn định, thậm chí đang trong xu hướng giảm, thông qua việc thực hiện hàng loạt chương trình khuyến mại thì nhiều cửa hàng đã vịn vào giá xăng dầu tăng để tự tăng giá một số mặt hàng công nghệ phẩm thêm 5% - 7%. Cách tăng giá vô lý này khiến nhà cung cấp giật mình vì “chúng tôi chưa có bất cứ thông báo tăng giá nào” và “cũng không rõ vì sao lại có hiện tượng này”. Vật liệu xây dựng cũng đang có xu hướng tăng giá bán lẻ từ đầu tháng 6-2009, với mức tăng bình quân khoảng 1.000 đồng/kg sắt thép, nhôm tăng 5% và gạch 100 đồng/viên. Chủ một cửa hàng thừa nhận, giá gốc từ các công ty đưa ra không tăng nhưng do xăng dầu tăng giá nên họ phải tự động nhích lên, vì vậy, giá đã đội lên khá cao.
Quay trở lại với giá xăng dầu, nói như một chuyên gia, cách đây hơn 10 năm giá hàng hóa phụ thuộc chủ yếu vào giá vàng, tức vàng lên thì giá lên và ngược lại. Còn bây giờ, giá xăng dầu đã trực tiếp tác động vào giá hàng hóa thế giới cũng như trong nước.
Điều này cho thấy, xăng dầu là một mặt hàng cực kỳ nhạy cảm; trong khi đó cách điều hành về giá của chúng ta vẫn đang có vấn đề. Mặc dù Chính phủ đã “thả” giá mặt hàng này theo giá thế giới, song trên thực tế các doanh nghiệp (DN) vẫn đang phải thực hiện theo cơ chế “xin - cho” bởi cơ chế 3 ngày làm việc… Cách làm này không mang lại hiệu quả như lần tăng giá vừa qua. Nếu các bộ, ngành chức năng sớm chấp nhận việc đề xuất tăng giá của DN thì các hộ tiêu dùng và người dân không phải hứng chịu việc tăng giá dồn cục đối với tất cả chủng loại xăng và dầu trong cùng một lúc, với mức tăng 1.000 đồng/lít.
So với thời điểm cuối tháng 3-2009, giá xăng hiện đã tăng hơn 20%, còn giá dầu tăng khoảng 15%. Trong khi đó, theo tính toán của một DN, giá xăng dầu hiện chiếm hơn 30% giá dịch vụ vận tải, vì vậy việc tăng giá lần này sẽ đặt các DN vận tải và sản xuất trước bài toán khó. Nếu tính đúng, tính đủ, mức tăng này sẽ tương đương với chi phí cho dịch vụ vận tải bằng xăng tăng khoảng 10%, bằng dầu sẽ tăng 7%... Tổng giám đốc một công ty sản xuất cũng cho rằng, chúng ta đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn xăng nhập khẩu nên việc giá trong nước tăng hoặc giảm theo giá thế giới là việc bình thường. Vấn đề đặt ra là cơ chế điều hành cần linh hoạt hơn. Nếu mức tăng chỉ dừng ở 500 đồng/lít/lần như những lần điều chỉnh trước đây thì các DN và người dân sẽ dễ thở hơn.
Không còn nghi ngờ gì nữa, giá xăng tăng đã và đang tạo cơ hội cho một bộ phận không nhỏ ở một số lĩnh vực lợi dụng dịp này để làm giá. Ngoài sự nỗ lực của các siêu thị và DN trong việc kiềm giữ giá, chúng ta không thể lơ là trước những biến động của thị trường, do vậy rất cần sự vào cuộc của các sở ngành chức năng trong việc kiểm soát giá.
Ngoài việc kiểm tra để loại trừ những trường hợp tăng giá vô tội vạ, đã đến lúc chúng ta thử bóc tách những ngành hàng, dịch vụ và sản phẩm nào buộc phải tăng theo giá xăng dầu với mức bao nhiêu là hợp lý. Đối với những mặt hàng có dấu hiệu bị làm giá sẽ phải xử lý thật nghiêm, nếu cần thiết thì thu hồi ngay giấy phép kinh doanh. Làm được việc này chúng ta sẽ tránh được trình trạng kiềm giữ giá một cách duy ý chí, đồng thời cũng trả được giá hàng hóa về đúng với giá trị thật của nó.
Thúy Hải