Ngày 25-9, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức hội thảo quốc tế về chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng (PCTN) đến năm 2020. Tham dự có rất nhiều đại diện các tổ chức quốc tế. Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều thống nhất cho rằng, để PCTN có hiệu quả, cần có những giải pháp căn bản, lâu dài.
Sẽ nảy sinh nhiều điều kiện mới cho tham nhũng?
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình khẳng định, một trong những nguyên nhân của nạn tham nhũng là Việt Nam còn thiếu cơ chế phù hợp trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về PCTN; thiếu một hệ thống giải pháp có tính chất căn bản, lâu dài, toàn diện, lộ trình cụ thể, hợp lý để thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách hiện hành về PCTN.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân không nhỏ góp phần gia tăng tham nhũng đó là đội ngũ cán bộ, công chức thiếu tính chuyên nghiệp, phẩm chất đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức bị xuống cấp.
Trong khi đó, theo nhận định chung, trong những năm tới, cùng với quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đô thị hóa, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, phát triển thị trường bất động sản, thị trường vốn… sẽ nảy sinh nhiều điều kiện mới cho tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp.
Ngoài ra, việc hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng cũng sẽ tạo cơ hội phát sinh những vụ việc tham nhũng với phạm vi rộng hơn, khó phát hiện và xử lý hơn do có sự tham gia của các cá nhân, tổ chức nước ngoài.
Bởi vậy, dự thảo chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 đã đề ra 5 nhóm giải pháp: Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công quyền, hạn chế điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng trong việc hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; kiểm soát việc thực thi quyền lực Nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng; nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng chống tham nhũng.
Cần những quy định rõ ràng và đơn giản
Hầu hết đại diện các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao việc Việt Nam xây dựng chiến lược quốc gia PCTN, coi đó là một dấu mốc quan trọng của Việt Nam trong công cuộc đầy khó khăn.
Ông Peter Rooke, Cố vấn cao cấp, Tổ chức Minh bạch quốc tế, cho rằng để thực hiện thành công chiến lược này, Việt Nam cần có sự tham dự chặt chẽ của các bên liên quan trong PCTN: cả Chính phủ, xã hội dân sự, các nhà tài trợ, nhất là khu vực tư nhân.
Cũng theo ông, việc Việt Nam cải thiện vị trí của mình đối với chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2008 (đứng thứ 127/180 nước được khảo sát) là một tín hiệu tích cực, cho thấy chiến lược này sẽ đạt kết quả khả quan trong những năm tới.
“Tuy nhiên, để PCTN thành công, bên cạnh các giải pháp quan trọng khác, rất cần chú ý đến các biện pháp bảo vệ nhân chứng, cũng như bảo vệ những người tố cáo để khuyến khích việc tố giác tham nhũng và sự sẵn sàng cung cấp bằng chứng trong các vụ tham nhũng”, ông Peter Rooke nói.
Còn theo Cố vấn chính sách của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) Jairo Acuna-Alfaro, chiến lược cần làm rõ việc quản lý chất lượng hoạt động của cán bộ công chức, nhất là với những lĩnh vực dễ tham nhũng như công an, tài chính, ngân hàng...
Đây cũng là vấn đề được các đại biểu quốc tế đặc biệt quan tâm khi khuyến nghị về công tác PCTN của Việt Nam. Theo họ, quy trình tuyển dụng công chức hiện nay của ta chưa thực sự ổn. Việc tuyển dụng cần phải tiến tới việc cạnh tranh lành mạnh, công khai, coi trọng thực tài.
Ông Jairo Acuna-Alfaro nhấn mạnh, cần phải có những biện pháp trừng phạt thích đáng đối với cán bộ công chức có hành vi tham nhũng. Đi liền với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, vì các quy định rõ ràng và đơn giản hơn sẽ giúp hạn chế các cơ hội cho tham nhũng gia tăng.
Ở một khía cạnh khác, Tham tán Đại sứ quán Đan Mạch, bà Tove Degnbol cho rằng, cần có giải pháp nâng cao hiệu quả thanh tra, điều tra, xử lý tham nhũng. “Nên phân tích các yếu tố gây đình trệ trong các vụ xét xử tham nhũng và cân nhắc các biện pháp khuyến khích hợp tác, phối hợp, đặc biệt là sự tham gia của các nguồn lực bên ngoài như báo chí, nhân dân”, bà Tove Degnbol khuyến cáo. Cần coi báo chí là một lực lượng hết sức quan trọng trong PCTN.
Theo ông Mai Quốc Bình, những khuyến nghị này sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu để hoàn hiện dự thảo chiến lược, trước khi trình Chính phủ.
Theo kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020, năm 2010 - 2012, Việt Nam sẽ xây dựng Luật Tố cáo và Luật Bảo vệ nhân chứng. Năm 2010, Bộ Nội vụ và Bộ Công an ban hành quy chế khen thưởng, bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Hàng năm, Bộ KH-ĐT sẽ công khai danh sách doanh nghiệp có liên quan đến tham nhũng. |
LÂM NGUYÊN