Kích cầu điện toán đám mây

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn. Và, một trong những trụ cột quan trọng của chuyển đổi số phải kể đến là công nghệ điện toán đám mây (ĐTĐM).

Ưu tiên dùng hàng nội địa

Bộ TT-TT vừa phát động “Chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng nền tảng ĐTĐM Việt Nam”, nhằm xây dựng một hệ sinh thái các DN ĐTĐM Việt Nam làm chủ công nghệ, cung cấp hạ tầng và dịch vụ đạt chuẩn để từ đó hỗ trợ và thúc đẩy các DN Việt Nam chuyển đổi số, phục hồi tốt hơn trong giai đoạn này.

Thị trường ĐTĐM trong nước hiện nay đạt khoảng 200 triệu USD, với mức tăng trưởng hàng năm trên 30%. Tuy nhiên, DN Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% thị phần, 80% vẫn dùng đám mây đặt tại nước ngoài. Để nhanh chóng nắm bắt thị trường, hiện các DN công nghệ hàng đầu Việt Nam đều đã chuyển dịch cung cấp các nền tảng phục vụ chuyển đổi số trên công nghệ ĐTĐM, với 27 trung tâm dữ liệu do 11 DN trong nước đầu tư, cùng trên 270.000 máy chủ được kết nối đến cả nước. Cơ sở hạ tầng này đã đạt chuẩn, các DN có nhu cầu có thể thuê với giá cả rất cạnh tranh.

Công ty VNG Cloud đầy đủ các tiêu chuẩn để cung cấp những dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây
Xuất hiện trong chiến dịch này có 4 DN nòng cốt, đang dẫn đầu về làm chủ công nghệ, sẵn sàng hạ tầng và cung cấp sản phẩm dịch vụ trên nền tảng ĐTĐM tại Việt Nam, bao gồm: Công ty TNHH Viettel CHT; Công ty cổ phần Dịch vụ dữ liệu công nghệ thông tin Vi Na (VNG Cloud); Công ty cổ phần Hạ tầng viễn thông CMC; Công ty cổ phần VCCorp.

Ngoài 4 DN nòng cốt nói trên, 7 DN ĐTĐM Việt Nam khác cũng cam kết tham gia chiến dịch, giảm giá 20% cho tất cả khách hàng đăng ký mới dịch vụ ĐTĐM Việt Nam trong thời gian 2 tháng (từ 22-5 đến 22-7) để kích cầu thị trường, hỗ trợ các cơ quan, DN chuyển đổi hoạt động lên môi trường mạng.


Tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Việt Nam là một trong số những nước sớm ban hành tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật cho hạ tầng ĐTĐM. ĐTĐM sẽ là thành phần quan trọng nhất của hạ tầng số. Hạ tầng số phải được đầu tư trước, thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế số. Cách tốt nhất để phát triển hạ tầng trong nước là các DN và người dân Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Việc phát triển các công nghệ mới về viễn thông, ĐTĐM, hội nghị truyền hình dựa trên các chuẩn mở, dựa trên mã nguồn mở là hướng đi đúng và phù hợp nhất đối với chúng ta.

Liên kết để cạnh tranh

Ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc VNG Cloud, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐTĐM và Trung tâm dữ liệu Việt Nam, chia sẻ: “Các DN nòng cốt tham gia thị trường này đều đã làm chủ công nghệ và hạ tầng ĐTĐM, nhờ đó làm chủ về giá thành dịch vụ, không bị phụ thuộc nhà cung cấp nước ngoài. Khi hỗ trợ các DN Việt Nam, sự sẵn sàng của đội ngũ đông đảo kỹ sư Việt Nam, việc đào tạo cho khách hàng sử dụng ứng dụng tại chỗ... cũng là yếu tố vượt trội của DN ĐTĐM trong nước so với nhà cung cấp nước ngoài”.

Các dịch vụ ĐTĐM của VNG Cloud bao gồm cả hạ tầng (IaaS), nền tảng (Platform) và ứng dụng (SaaS). Trong đó, IaaS cung cấp đầy đủ dịch vụ hạ tầng giúp các DN số hóa công việc kinh doanh của mình một cách nhanh chóng, tiết kiệm và linh hoạt; dịch vụ nền tảng cung cấp đầy đủ các công cụ để lập trình ứng dụng trên hạ tầng ĐTĐM, nền tảng kết nối các thiết bị IoT, nền tảng AI cho giọng nói và hình ảnh; dịch vụ SaaS ứng dụng họp trực tuyến, ứng dụng tổng đài Cloud giúp các DN triển khai nhanh chóng mô hình bán hàng online và chăm sóc khách hàng tại nhà.

Là nhà cung cấp dẫn đầu, Viettel IDC khẳng định luôn sẵn sàng mọi nguồn lực hạ tầng, công nghệ và con người cho công cuộc chuyển đổi số. Toàn bộ các dịch vụ, giải pháp ĐTĐM của Viettel IDC được xây dựng và phát triển trên hạ tầng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đạt chứng chỉ ANSI TIA 942 Rated 3 Constructed Facility, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất về Data Center và Cloud, như: ISO 27001:2013, ISO 27017:2015, ISO 9001: 2015, ISO 50001:2018, PCI DSS… Theo ông Hoàng Văn Ngọc, Giám đốc Viettel IDC, ngay từ khi thành lập, công ty đã xác định đầu tư bài bản cho hạ tầng, làm chủ công nghệ, tạo ra hệ sinh thái dịch vụ “Make in Viettel” đa dạng nhất, giúp các tổ chức, DN Việt Nam có thể sử dụng những công nghệ mới nhất và dịch vụ phù hợp nhất ngay tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC, cho biết: Hạ tầng ĐTĐM là hạ tầng quan trọng bậc nhất của hạ tầng số, góp phần quan trọng chuyển đổi số thành công và xây dựng chính phủ số, DN số, cuộc sống số. Đầu năm 2019, CMC đã chính thức ra mắt nền tảng hệ sinh thái mở C.Ope2n mà trong đó hạ tầng nền tảng số chính là C.Cloud, và có bước tăng trưởng ấn tượng 250%/năm. Tuy vậy, một công ty chỉ là cá thể đơn lẻ và khó có sức mạnh cạnh tranh trên thị trường thế giới, nếu liên minh với nhau thì các DN sẽ có sự cộng hưởng và tạo nên sức mạnh lớn.

Tin cùng chuyên mục