Kiểm soát chặt chẽ

Còn hơn 2 tuần lễ nữa là đến Tết Kỷ Sửu. Mặc dù tình hình kinh tế năm nay khó khăn nhưng dạo quanh một vòng các chợ, siêu thị, thấy hàng hóa phục vụ tết đủ các nguồn, nội, ngoại khá dồi dào. Mùa làm ăn thịnh vượng nhất trong năm! Các nhà sản xuất, kinh doanh đều tung hết các “chiêu” để tranh thủ khách hàng trong dịp này. Khách hàng được mời chào săn đón hết ý! Có thể nói thị trường tết là thị trường của người tiêu dùng đúng nghĩa “thượng đế”! Mặt tích cực là vậy! Nhưng đây cũng là cơ hội để những kẻ làm ăn gian dối, chụp giựt, bất chấp lương tâm đạo đức kinh doanh, miễn sao kiếm được nhiều tiền theo lối nghĩ “làm một ngày ăn cả năm”.

Chính vì lối suy nghĩ như vậy mà những kẻ làm gian dối chụp giựt sẵn sàng tung hàng giả hàng kém chất lượng ra thị trường và sẵn sàng đầu cơ, tăng giá khi có điều kiện.

Để góp phần bình ổn giá trong dịp tết, trước tết mấy tháng, UBND TPHCM đã cho 9 doanh nghiệp chủ lực của thành phố mượn (vay không lãi) hơn 400 tỷ đồng để chuẩn bị hàng tết. Cho đến thời điểm này, hàng đã chuẩn bị xong, đưa vào kho và sẵn sàng tung ra khi thị trường có dấu hiệu biến động. Và 9 doanh nghiệp này đều cam kết với UBND TPHCM bán giá thấp hơn thị trường từ 5% đến 10%.

Còn để ngăn chặn các loại thực phẩm tết dỏm, mất vệ sinh, Thanh tra Sở Y tế và Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đang mở đợt cao điểm kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra đột xuất một số doanh nghiệp tư nhân ở các quận huyện cho thấy tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm thực sự đáng báo động. Một số vi phạm đáng lưu ý như nơi chế biến mứt ngay trên nền nhà, nơi đóng gói cạnh nhà vệ sinh, công nhân làm mứt không găng tay, không khẩu trang; cơ sở chế biến rượu thì không trình được tiêu chuẩn sản phẩm; mứt ngoại, rượu ngoại thì không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng. Tình hình không phải cá biệt mà khá phổ biến.

Một điều đáng lưu ý nữa là chưa vào cao điểm tết mà một số mặt hàng phục vụ tết đã rục rịch tăng giá. Điều hành và kiểm soát giá đang là vấn đề thời sự. Tại cuộc hội nghị do Bộ Tài chính, Bộ Công thương tổ chức tại TPHCM triển khai các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngoài 14 nhóm mặt hàng phải đăng ký giá và áp dụng các biện pháp bình ổn giá, các địa phương còn được yêu cầu phải có kế hoạch kiểm soát giá hàng hóa trong dịp Tết Kỷ Sửu 2009.

Từ những thực tế trên cho thấy giá cả và chất lượng hàng hóa phục vụ tết vẫn còn là hai nỗi băn khoăn đối với người tiêu dùng. Không thể chỉ kêu gọi lương tâm nhà sản xuất, kinh doanh và sự thông thái của người tiêu dùng mà phải kiểm tra kiểm soát gắt gao và có biện pháp chế tài cứng rắn đủ sức răn đe. 

LÊ MINH

Tin cùng chuyên mục