Từ nhiều năm nay, tình trạng gia cầm nhập lậu đã làm người tiêu dùng lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm, còn người chăn nuôi thì điêu đứng vì giá giảm, phải bỏ chuồng trại. Tuy nhiên, điều nghịch lý của năm 2012 là trong bối cảnh giá cả sản phẩm chăn nuôi trong nước rớt thê thảm, sức mua cũng giảm thì hiện tượng gia cầm lậu tuồn vào nội địa lại tăng đột biến.
Thời điểm từ trước tháng 8-2012, chỉ tính riêng tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín - Hà Nội) mỗi ngày có tới 80 tấn gà nhập lậu, chưa kể khối lượng khổng lồ vận chuyển về các địa phương hoặc chở thẳng vào phía Nam. Tệ hơn, từ đầu năm 2012 trở lại đây, bên cạnh nguồn gia cầm thịt khổng lồ thì các “đầu nậu” còn ồ ạt nhập lậu cả gia cầm giống. Tại các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình… đều có “tổng kho” hợp thức hóa gà giống lậu thành gà nội địa.
Mới đây, vấn nạn gia cầm lậu phải đưa lên bàn nghị sự của Quốc hội. Chính phủ cũng vừa chỉ đạo quyết tâm ngăn chặn gia cầm nhập lậu. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban chỉ đạo liên ngành về phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã giao Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Công an cùng phối hợp kiểm soát chặt chẽ gia cầm nhập lậu. Nhiệm vụ cụ thể, trong tháng 12-2012 chấm dứt tình trạng tiêu thụ gà lậu tại chợ đầu mối Hà Vĩ (Hà Nội). Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội và TPHCM đánh giá nghiêm túc tình trạng gia cầm nhập lậu và xây dựng ngay đề án ngăn chặn hiệu quả việc tiêu thụ gia cầm lậu. Mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến hết năm 2013, cơ bản kiểm soát được tình trạng gà nhập lậu, sau đó sẽ áp dụng cho các sản phẩm nông sản nhập lậu khác.
Thực hiện chỉ đạo, Hà Nội đang tập trung triển khai các hoạt động kiểm soát gà nhập lậu thông qua đề án ngăn chặn gia cầm lậu. Hiện tại, cơ quan chức năng khẳng định lượng gà nhập lậu về chợ Hà Vĩ đã giảm và xác định được ở đây có khoảng 16 hộ gia đình thường buôn bán gà lậu, còn cả miền Bắc có 11 đường dây chuyên buôn gà lậu có tổ chức. Tuy nhiên hiện nay nhiều người vẫn còn hoài nghi về tính hiệu quả và bền vững của đề án. Bởi nếu chỉ làm đơn độc ở từng địa phương, thị trường tiêu thụ như Hà Nội hoặc TPHCM thì việc ngăn chặn gà lậu chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Bởi không chỉ riêng chợ Hà Vĩ mới là đầu mối chuyên tập kết gia cầm lậu về từ biên giới mà còn nhiều điểm trung chuyển khác nằm dọc các cung đường vận chuyển như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình… Vì vậy, chỉ “tập kích” chợ Hà Vĩ thì sẽ còn nhiều chợ khác hoạt động mạnh hơn hoặc mọc thêm ra.
Để ngăn chặn một cách căn cơ, hiệu quả, diệt tận gốc gia cầm lậu thì tất cả các địa phương phải cùng vào cuộc, có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, đặc biệt là các địa bàn ở vùng biên, những nơi có điểm trung chuyển, chuyên tập kết gia cầm lậu. Khu vực miền Bắc có kiểm soát tốt thì mới hạn chế được nguồn gia cầm lậu đổ vào miền Trung, miền Nam. Phải “đánh” đồng thời cả nơi tiêu thụ và nơi nhập lậu. Nhiều người nói rằng, phát hiện xe chở gà lậu, các điểm tổ chức tập kết, hợp thức hóa giấy tờ không phải khó. Gia cầm lậu chứ không phải là cái kim cuộn chỉ, bánh pháo, gói thuốc phiện… được ngụy trang, giấu kín nên không thể phát hiện được, mà thực ra nguồn gà lậu nhập ở đâu, mua bán thế nào thì người dân, chính quyền cơ sở đều biết cả.
Chưa kể hiện nay chúng ta có cả mạng lưới kiểm tra, kiểm dịch dày đặc, các trạm chốt của các cơ quan liên quan như thú y, quản lý thị trường, biên phòng, hải quan, công an kinh tế, cảnh sát giao thông… nằm nhan nhản dọc các tuyến đường vận chuyển từ Bắc vào Nam. Nếu làm quyết liệt, không tiêu cực, không tiếp tay cho buôn lậu, đạo đức công vụ được thực thi nghiêm túc thì chắc chắn không có xe chở gia súc, gia cầm nào lọt được vào nội địa.
Và đúng như đề án kiểm soát gia cầm nhập lậu đã đề ra, cần phải quy kết trách nhiệm cho từng cơ quan, địa phương để xảy ra gia cầm lậu. Trong đó, các địa phương ở biên giới phải chịu trách nhiệm về việc để gia cầm lậu tràn vào nội địa. Các cơ quan được giao trách nhiệm kiểm soát quá trình vận chuyển chịu trách nhiệm việc để lọt lưới, buông lỏng kiểm tra, kiểm dịch. Còn chính quyền các địa phương nơi tiêu thụ chịu trách nhiệm việc có gia cầm lậu trên địa bàn.
Có vậy mới giảm thiểu được cơ bản nạn gia cầm lậu tuồn vào nội địa, bảo vệ người tiêu dùng lẫn người chăn nuôi trong nước.
PHÚC HẬU