Những ngày cận tết, khi khắp nơi tràn ngập không khí đón xuân, nhiều cơ quan công sở đang vội vã hoàn tất những công việc cuối cùng để yên tâm vui tết thì thông tin Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng “trảm tướng” thật sự làm dư luận bất ngờ. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đã bị cách chức chỉ sau khi thông tin về việc doanh nghiệp này thương thảo để mua 100 toa xe có tuổi thọ lỗi thời tới 20 năm của Trung Quốc được đưa lên mặt báo vài giờ đồng hồ.
Nhiều người nghĩ rằng, đây là pha “ghi điểm” đầu tiên của Bộ trưởng Đinh La Thăng ở cương vị tân Ủy viên Bộ Chính trị. Thế nhưng, nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm làm “tư lệnh” ngành GTVT, có thể thấy, hành động này hoàn toàn nhất quán với quan điểm và cách xử lý công việc của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Thứ nhất, đó là việc Bộ trưởng đã luôn lắng nghe thông tin từ kênh báo chí, và dù bận rộn cỡ nào, ông cũng sàng lọc thông tin một cách nhanh chóng. Thứ hai, ông đã không chần chừ hay đắn đo, xử lý đến nơi đến chốn khi những sai phạm của cấp dưới đã rõ ràng. Vì vậy, việc “trảm tướng” doanh nghiệp ngành đường sắt nêu trên đúng vào lúc năm hết tết đến, vào lúc nhiệm kỳ làm Bộ trưởng GTVT đã gần kết thúc càng cho thấy Bộ trưởng Đinh La Thăng luôn kiên định với cách làm việc của mình.
Nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm khi hành động của bộ trưởng đã ngăn chặn được việc 100 toa tàu sắt cũ rích suýt bị nhập về trong khi ngành đường sắt đang ra sức hô hào đổi mới, nâng cao chất lượng, và chuẩn bị dồn sức cho việc hiện đại hóa bằng việc xây dựng hệ thống đường sắt đôi tốc độ cao. Vụ việc ồn ào này lại làm không ít người lo ngại, liệu còn có bao nhiêu vụ việc tương tự như thế? Còn bao nhiêu vụ việc những người có trách nhiệm đã làm trái thẩm quyền, làm trái quy định ở các ngành khác mà chưa được phát hiện và chưa được báo chí phanh phui?
Chúng ta từng choáng váng khi lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) làm trái quy định gây thất thoát ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Chúng ta đã từng rất đau lòng khi lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines nhập khẩu hàng quá đát là ụ nổi M83 gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Chưa hết, còn rất nhiều vụ việc mà lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, nhỏ trong các ngành mía đường, xi măng… cố ý làm trái các quy định của pháp luật trong việc nhập khẩu công nghệ để đút túi hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Điều đáng nói, những vụ việc đó đều được phát hiện khi mọi sự đã rồi, hậu quả là hàng chục cán bộ lãnh đạo mắc vòng lao lý, hàng trăm tỷ đồng tiền thuế của dân “một đi không trở lại” và lòng tin của người dân bị xói mòn. Giá như các sự việc được phát hiện sớm, như vụ việc mua toa xe cũ được phát hiện ngay từ khi đang đàm phán, thì đâu đến nỗi sự việc trở nên nghiêm trọng, gây lãng phí đến như vậy. Giá như các cấp quản lý làm hết trách nhiệm của mình thì đâu đến nỗi phải đối mặt với những hậu quả nặng nề nhiều năm sau chưa giải quyết xong.
Ở các cấp, các bộ, ngành, địa phương đều có các cơ quan có chức năng giám sát, vậy mà nhiều năm qua, vẫn có những sai phạm không được phát hiện sớm. Lại có những sai phạm được phát hiện sớm nhưng không được các lãnh đạo kiên quyết xử lý ngay. Đó chính là lý do mà đông đảo người dân rất đồng tình với Bộ trưởng Đinh La Thăng qua những hành động xử lý quyết liệt, không khoan nhượng và việc kiên quyết xử lý này có thể khiến cho những trường hợp manh nha làm bậy khác phải e sợ. Nếu như những cơ quan chức năng làm tốt nhiệm vụ của mình, nếu như người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đều kiên quyết xử lý, thì hẳn những vụ việc tương tự sẽ giảm rất nhiều.
MINH DUY