Kiên trì giải pháp “kiềng 3 chân”

Theo dõi các hội nghị triển khai công tác năm 2023 diễn ra liên tục trong tuần qua, có thể nhận thấy quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo cấp cao về việc xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ; gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại hội nghị của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 vào ngày 3-1 và Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhắc lại tại hội nghị của ngành KH-ĐT ngày 4-1, yêu cầu này càng ngày càng trở nên bức thiết hơn.

Năm 2022 vừa khép lại với một số thành quả quan trọng, không thể phủ nhận: kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; tăng trưởng GDP ở mức cao (8,02%). Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, triển khai toàn diện, sâu rộng, hiệu quả; vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng cao.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam với quy mô còn khiêm tốn, có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế đã phải “thử lửa” kép. Ở bên ngoài, thế giới đầy biến động nhanh, phức tạp, điển hình là cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực. Trong nước, chúng ta cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức hơn là thời cơ, thuận lợi, nhất là trong tháng 10, tháng 11 của năm 2022, với nhiều tác động tiêu cực cộng hưởng…

Bước sang năm 2023, năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, bên cạnh những mặt thuận lợi nhất định, những khó khăn, thách thức, yếu tố bất lợi kép từ bên ngoài và bên trong vẫn còn đó; cùng với những vấn đề mới còn chưa dự báo được hết tiếp tục đặt ra những thách thức không nhỏ. Ngay từ cuối quý 3, đầu quý 4-2022 chúng ta đã nhìn thấy sự suy giảm của các động lực tăng trưởng xuất khẩu vì kinh tế toàn cầu suy giảm, kéo theo sự sụt giảm về hàng hóa nhập khẩu, ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam.

Giải pháp điều hành trong giai đoạn tới có lẽ vẫn sẽ là thế “kiềng 3 chân” đã nhất quán thực hiện nhiều năm qua: Giữ ổn định kinh tế vĩ mô; Cải cách thể chế để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn nhất có thể; Hội nhập quốc tế sâu rộng.

Trong khi các chân kiềng thứ nhất và thứ 3 đã khá vững vàng, thì đáng bàn hơn cả, và cũng đáng để giám sát, thúc đẩy hơn cả ở thời điểm hiện nay có lẽ là “chân kiềng” thứ 2 - Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Nên chăng, cần phục hồi hoạt động và tăng cường năng lực của hội đồng quốc gia về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia để giám sát và kịp thời đề xuất Thủ tướng chỉ đạo, yêu cầu các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện đúng tinh thần: “Ai không làm, không muốn làm, không làm được thì đứng sang một bên, để cho người khác làm” như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định.

Đặc biệt, cần phải giải tỏa được tâm lý “không dám làm” của cán bộ, công chức nhà nước cũng như của các nhà đầu tư. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật theo hướng rõ việc, rõ trách nhiệm, dễ thực hiện; có thể tổ chức giao ban định kỳ hoặc đột xuất với tham dự của người đứng đầu địa phương và các sở, ban, ngành có liên quan, trong đó có ban nội chính, thanh tra, công an... Trên cơ sở đó đưa ra và tạo sự đồng thuận về các giải pháp tháo bỏ các rào cản, vướng mắc đối với huy động nguồn lực phát triển kinh tế địa phương; định hướng giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, cụ thể là trong việc ra quyết định chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, cho thuê và giao đất, trong thực hiện dự án đầu tư và các vấn đề khác có liên quan… Đồng thời, cần lắng nghe cả những phản ánh, kiến nghị của các cán bộ, công chức liên quan về các cuộc thanh, kiểm tra nhằm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm trong trường hợp cần thiết.

Khi và chỉ khi phương châm “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” được hiện thực hóa thì năm 2023 mới có thể lại là một năm cho nhiều trái ngọt trong điều kiện thời tiết bên ngoài vẫn còn “khắc nghiệt” như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục