Kim ngạch xuất khẩu nông sản, thực phẩm sẽ đạt 50 tỷ USD

Ngày 15-9, trong khuôn khổ Diễn đàn Xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công thương tổ chức, các doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt với nhóm hàng nông, thủy hải sản.

Theo Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản và thực phẩm duy trì tốc độ tăng trưởng trên hai con số và đạt hơn 50 tỷ USD trong năm nay, bất chấp nhiều khó khăn của thị trường, đặc biệt là lạm phát tăng cao ở tất cả các thị trường xuất khẩu chủ lực. Trong đó, nhiều nhóm hàng có kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD là gỗ, thủy sản, cà phê, cao su, rau quả.

Đại diện Tập đoàn Aeonmall giới thiệu nông sản Việt đang được thu mua và bán trong hệ thống của tập đoàn

Đại diện Tập đoàn Aeonmall giới thiệu nông sản Việt đang được thu mua và bán trong hệ thống của tập đoàn

Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, hiện nay, Việt Nam là nhà cung ứng Top 3 thế giới về cà phê, lớn nhất về hạt điều, hạt tiêu và lớn thứ ba về gạo...

Đặc biệt trong năm 2022, nhiều loại nông sản của nước ta như chuối tươi, khoai lang, tổ yến, bưởi, nhãn, chanh leo, sầu riêng... được cấp phép xuất khẩu sang các thị trường phát triển và có tiêu chuẩn cao trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand... Điều này tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Ghi nhận thực tế trong 8 tháng năm 2023, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 9,8%. Riêng thị trường Mỹ chiếm 20,6%, giảm 27,4%.

Cũng theo bà Hiền, ngành nông sản của Việt Nam đã đạt nhiều thành tích tích cực. Tuy nhiên, thách thức đối với hàng nông sản hiện vẫn còn rất lớn khi phát triển bền vững và bảo vệ môi trường - những xu hướng tất yếu tại hầu khắp các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Các quốc gia không chỉ điều chỉnh khung khổ pháp lý của mình với hàng loạt các luật, quy định mới cụ thể hóa 2 mục tiêu trên mà còn lan tỏa đến quốc gia khu vực khác thông qua các cam kết chính trị mạnh mẽ tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động chuyển đổi xanh để tránh nguy cơ bị loại khỏi thị trường.

Tin cùng chuyên mục