Kinh doanh nhờ thương hiệu cá nhân

Đã qua rồi cái thời VĐV thể thao Việt Nam sống chật vật bằng nghề của mình. Bằng tài năng và một chút may mắn, các VĐV hoàn toàn có thể sống khỏe, thậm chí làm giàu bằng chính tài năng của mình. Bởi như ngành giải trí, các VĐV nổi tiếng cũng biết tận dụng lợi thế tên tuổi của mình.
Kinh doanh nhờ thương hiệu cá nhân

Đã qua rồi cái thời VĐV thể thao Việt Nam sống chật vật bằng nghề của mình. Bằng tài năng và một chút may mắn, các VĐV hoàn toàn có thể sống khỏe, thậm chí làm giàu bằng chính tài năng của mình. Bởi như ngành giải trí, các VĐV nổi tiếng cũng biết tận dụng lợi thế tên tuổi của mình.

Kiếm tiền không khó

Đi đầu trong lĩnh vực này, phải nói đến các cầu thủ bóng đá. Tiên phong và tiêu biểu nhất không ai khác ngoài Lê Huỳnh Đức. Ngay từ còn lúc thi đấu, Huỳnh Đức đã mở shop thể thao với thương hiệu Lê Huỳnh Đức sports. Cơ sở đầu tiên của anh tại TPHCM, sau đó anh mở thêm cửa hàng ở Huế, quê gốc của mình. Đến khi làm HLV và định cư ở Đà Nẵng, Lê Huỳnh Đức cũng làm shop ngay mặt tiền con đường kinh doanh Phan Chu Trinh của TP này. Không tiết lộ nhưng ai cũng biết việc kinh doanh của Huỳnh Đức rất ổn nhờ uy tín của anh. Tuy nhiên, do công việc bận rộn nên danh thủ này chưa có ý định phát triển thêm các cơ sở cũng như quy mô mặt hàng.

Kinh doanh nhờ thương hiệu cá nhân ảnh 1

Phạm Văn Mách hướng dẫn học viên tập luyện. Ảnh: NGUYỄN ĐẠT

Những năm qua, giá trị chuyển nhượng cầu thủ tăng lên chóng mặt khiến thu nhập của các cầu thủ tăng nhanh và một lớp triệu phú bóng đá ra đời. Số tiền lót tay cao ngất ngưởng, cộng với lương, thưởng lên đến cả trăm triệu đồng/tháng, giúp các cầu thủ bóng đá có cuộc sống khá thoải mái. Đa số họ biết dùng tiền để sinh lời sau này. Trào lưu kinh doanh nở rộ trong giới cầu thủ. Thủ môn Hồng Sơn - Công Vinh mở chuỗi cửa hàng kinh doanh ăn uống ở Vĩnh Phúc, Nghệ An. Quả bóng vàng Việt Nam 2009 Phạm Thành Lương mở quán cà phê cao cấp ở Hà Nội. Thủ môn Tấn Trường đầu tư mở 6 sân bóng đá nhân tạo ở TPHCM, mua xe tải, mở một phòng máy vi tính cho vợ kinh doanh…

Bên cạnh bóng đá, làng thể thao Việt Nam còn có 2 cỗ máy kiếm tiền khác là Nguyễn Tiến Minh và Lê Quang Liêm. Tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh được coi là “vua kiếm tài trợ” của thể thao Việt Nam. Tính tất cả các khoảng từ các nhà tài trợ như Becamex, Công ty Dụng cụ thể dục thể thao Victor, cùng các khoản lương, phụ cấp từ đơn vị chủ quản TPHCM, mỗi tháng Tiến Minh đã có khoảng 100 triệu đồng.

Còn Lê Quang Liêm lại là chuyên gia săn giải thưởng. Việc thi đấu cực kỳ thành công trong năm 2010 giúp anh có được những khoản thưởng rất lớn. Cụ thể, vô địch giải đấu danh giá nhất của làng cờ châu Âu - Aeroflot, Liêm được thưởng 21.000 EUR, 8.000 EUR cho chiếc huy chương đồng ở giải Mátxcơva mở rộng và 7.000 EUR tiền phí tham dự giải Siêu đại kiện tướng quốc tế ở Dortmund. Ngoài ra, Liêm còn bổ sung 9.500 USD tiền thưởng tại giải cờ vua tưởng niệm cố chủ tịch FIDE - Florencio Campomanes cũng như hàng loạt các giải thưởng tại các giải đấu trong nước. Tính ra tiền giải thưởng trong năm qua của Lê Quang Liêm không dưới 2 tỷ đồng.

Lo cho tương lai

Cựu thủ môn nổi tiếng Dương Ngọc Hùng bôn ba bao nhiêu năm, đến cuối tháng 4- 2003 mới có được cơ ngơi riêng để lo cho tương lai của mình một khi anh giã từ nghiệp bóng đá. Đó là cửa hàng kinh doanh dụng cụ thể thao Giai Sports trên phố Phan Đình Phùng (Bình Định). Thế nhưng, ngay thời điểm khai trương đã có chuyện. Ban đầu, “ông chủ” kiêm HLV đội Bình Định này dự định tranh thủ khoảng thời gian nghỉ giữa 2 giai đoạn của V- League để khai trương cửa hàng. Nhưng rồi việc chuẩn bị lực lượng cho đội Bình Định trong cuộc chạy đua trụ hạng lúc ấy khiến Dương Ngọc Hùng bận bù đầu, phải liên tục dời ngày khai trương.

Đau đầu nhất là nhiều CĐV quá khích của Bình Định “bắn” tiếng nếu đội nhà không thắng được trận mở đầu giai đoạn 2 mùa đó, Hùng đừng mong mở tiệm.

May mà Bình Định thắng trận và Giai Sports chính thức ra đời. Nhưng Dương Ngọc Hùng chắc hẳn vẫn chưa hết lo vì cho đến thời điểm này, tình hình kinh doanh cũng... vui là chính.

Nổi danh trong làng thể hình Việt Nam với những chiến công vang dội trong hơn 10 năm qua nhưng như thế là không đủ để lực sĩ Phạm Văn Mách lo cho mình một ngôi nhà cũng như một cuộc sống ổn định.

Anh tâm sự: “Lương của tôi ở An Giang hiện nay là 15 triệu đồng/tháng. Đó là mức cao so với mặt bằng chung. Còn khi lên đội tuyển quốc gia, nếu tính tất cả các khoản lương, phụ cấp tiền ăn… cao lắm cũng chỉ được 5,5 triệu đồng/tháng. Mà thể hình là môn thể thao cực kỳ tốn kém…”.

Trung bình, mỗi ngày Phạm Văn Mách tiêu tốn khoảng… 300.000 - 400.000 đồng cho việc ăn uống. Ngoài thịt bò, ức gà, cá thu, cá hồi, tôm, mực, anh phải uống thêm những thực phẩm bổ sung như bột protein, vitamin tổng hợp dành riêng cho người tập thể hình được mua về từ Mỹ.

Hiện tại, Mách đang là quản lý của 2 CLB thể hình. CLB ở An Giang do địa phương quản lý, Mách chỉ tham vấn về chuyên môn. Anh là ông chủ của CLB mà Trung tâm Tao Đàn cùng hợp tác kinh doanh từ hơn 4 năm nay ở đường Huyền Trân Công Chúa. Hiện tại, công việc kinh doanh của anh khá thuận lợi với số lượng người tập thường xuyên dao động từ 400 - 500 người. Chi phí tập ở đây cũng không quá đắt đỏ, khoảng 400.000 đồng/tháng.

So với những danh thủ bóng đá, thu nhập từ việc kinh doanh của Mách có lẽ không bằng. Nhưng với khoản thu nhập ổn định từ CLB của mình, Mách đang tích lũy dần để thoát khỏi việc ở trọ từ hơn chục năm nay tại TPHCM. Mới đây, anh được mua nhà trả góp theo chương trình Tiếp sức nhà vô địch. Đó sẽ là căn nhà hạnh phúc mà Mách và người bạn gái lâu năm của mình dự tính kết hôn và dọn đến ở trong 1-2 năm tới. Một cái kết có hậu cho con đường thể thao mà Phạm Văn Mách đã chọn.

HOÀNG VĂN - THÚY OANH

Tin cùng chuyên mục