Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa công bố một tín hiệu vui: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2015 tăng trưởng 6,11%, cao hơn đáng kể so với mức 5,18% cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng cao nhất từ năm 2010 đến nay. Báo cáo cho thấy, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung, tăng 8,36% so với cùng kỳ; lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng 6,16%; nông lâm nghiệp, thủy sản cũng tăng 2,16%. Đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng qua đạt mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước: 9,6% (cùng kỳ 2014 chỉ tăng 5,8%). Những tín hiệu này cũng phù hợp với tình hình hàng loạt dự án bất động sản khởi động trở lại, thị trường xây dựng khởi sắc… sản xuất tăng tốc, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm tăng đến 7,7% so với cùng kỳ 2014.
Một chỉ số quan trọng khác chứng minh nền kinh tế đã hồi phục và tăng tốc, đó là tình hình thu nộp ngân sách. Theo Bộ Tài chính, 5 tháng đầu 2015, tổng thu ngân sách đạt 380.760 tỷ đồng, tăng 7,9% so cùng kỳ 2014. Trong đó, lũy kế 5 tháng thu nội địa (không tính thu từ tiền sử dụng đất, chỉ tính thuế VAT, thuế XNK, thu nhập doanh nghiệp…), mức tăng lên đến 13,7%. Con số này cho thấy, nhiều doanh nghiệp (DN) đang làm ăn được, xuất khẩu tăng trưởng, nộp thuế nhiều hơn.
Trong 6 tháng qua, đã có 14.400 DN đăng ký thành lập mới, tăng 21,7%; trong khi số DN chấm dứt hoạt động đang trên đà giảm (giảm 0,9% so cùng kỳ năm ngoái).
Một diễn biến khác trên lĩnh vực tài chính, nếu các năm trước tín dụng chỉ tăng trưởng theo mùa vụ làm ăn, thì ngược lại, từ đầu năm đến nay, dòng tiền đang chảy mạnh vào nền kinh tế, tín dụng liên tục tăng dù là thời điểm sau tết - vốn là chu kỳ tín dụng giảm mạnh hàng năm. Con số công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 15-6-2015, tăng trưởng tín dụng đạt 5,78% so với cuối năm 2014 và tăng ngoạn mục 18,98% so với cùng kỳ. Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN Cát Quang Dương nhận xét, mức tăng trưởng này cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2012 - 2014.
Tiền đang chảy vào đâu? Nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực ưu tiên với dư nợ đến hết tháng 6-2015 tăng 7,71%, tín dụng xuất khẩu tăng 3,9%, DN nhỏ và vừa tăng 1,88%, DN ứng dụng công nghệ cao tăng 24,02%... Tín dụng vào bất động sản (BĐS) cũng tăng hơn 3,75% và dư nợ riêng lĩnh vực BĐS chiếm khoảng 13% tổng dư nợ. Rõ ràng, chính sách giảm lãi suất và giữ tỷ giá ổn định đã tạo dựng được niềm tin cho DN, cộng với hiệu ứng từ các hiệp định thương mại FTA đã ký kết, dòng chảy tiền tệ đã lưu thông mạnh hơn vào nền kinh tế. Liên tục 4 tuần qua, thị trường đã chứng kiến lãi suất huy động được điều chỉnh tăng lần lượt ở nhiều ngân hàng. Song trái với mọi lo lắng, ngay chính các ngân hàng tăng lãi suất cũng khẳng định, đợt điều chỉnh lãi suất huy động này chỉ nhằm thu hút thêm nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu tín dụng cho vay đang tăng trưởng cao; còn chuyện lãi suất cho vay sẽ tăng tương ứng - là chuyện khó xảy ra, do các ngân hàng đang cạnh tranh rất mạnh lãi suất đầu ra.
Năm 2015, chúng ta đang chứng kiến nhiều chuyện “trái ngược” hẳn diễn biến bình thường các năm: lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay không tăng; tín dụng tăng trưởng liên tục không theo chu kỳ nào; mặc dù giá hàng hóa các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trên đà giảm chung (dầu thô, nông sản…) nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng; lạm phát dự báo năm 2015 ở mức dưới 4%... Những tín hiệu này cho thấy nền kinh tế nước nhà đã vượt qua giai đoạn trầm lắng, khủng hoảng. Với rất nhiều gam màu hồng trong diễn biến nền kinh tế 6 tháng qua, các chuyên gia kinh tế nước ngoài cũng dự báo: tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 và 2016 sẽ cán mức 6,5% như mong đợi.
Dù vậy, vẫn còn những vướng mắc phải tiếp tục giải quyết để nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững. Đó là cần một giải pháp triệt để hơn cho bài toán nợ xấu, việc sáp nhập và sắp xếp lại hệ thống ngân hàng, quản chặt dòng chảy tín dụng đi đúng hướng, tránh vết xe đổ bong bóng BĐS… Giai đoạn 2015 - 2016 sẽ là cột mốc đánh dấu những chuyển biến lớn tiếp theo của nền kinh tế VN, khi các hiệp định FTA có hiệu lực. Nền kinh tế Việt Nam đang tăng tốc trong giai đoạn khởi động hội nhập, những tín hiệu mới này cho phép chúng ta có quyền hy vọng: Hội nhập AEC, thực thi các FTA sẽ là điều kiện để nền kinh tế nước nhà phát triển mạnh mẽ hơn, ổn định hơn và bền vững hơn.
SONG ĐĂNG