
Ngày 9 tháng 6 năm 2014, tại TPHCM, Tập đoàn HAGL vừa ký thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt, xây dựng nhà máy chế biến với hai đối tác chiến lược là Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood (Công ty Nutifood) và Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), một thành viên của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA).
Liên kết các thế mạnh cho đầu tư nông nghiệp
Dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt (bò Úc) do HAGL làm chủ đầu tư với số vốn 6.300 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 được triển khai trong 2 năm 2014 và 2015 với mức đầu tư 3.150 tỷ đồng. Giai đoạn 2 hoàn thành vào năm 2017 với số vốn 3.150 tỷ đồng. Dự kiến tổng đàn bò là 236.000 con, trong đó 120.000 con bò sữa, 116.000 con bò thịt. Diện tích đất sử dụng ban đầu khoảng 4.000ha, trong đó diện tích trồng cỏ 3.400ha và 600ha xây dựng hạ tầng phục vụ chăn nuôi.

Lễ ký kết hợp tác kinh doanh giữa Tập đoàn HAGL, NUTIFOOD và VISSAN.
Dự án nhà máy sữa do Công ty NutiFood đầu tư với số vốn 5.000 tỷ đồng, được triển khai làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2014 đến 2015 có số vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng, quy mô sản xuất là 290 triệu lít sữa tươi/năm. Giai đoạn 2 được thực hiện trong các năm tiếp theo với số vốn đầu tư là 1.500 tỷ đồng nâng công suất nhà máy lên 500 triệu lít sữa tươi/năm.
Dự án Cụm công nghiệp thực phẩm chế biến VISSAN tại Long An có công suất 100.000 tấn/năm sẽ tiêu thụ toàn bộ lượng thịt bò do HAGL cung cấp.
Dẫn đường cho ngành chăn nuôi bò chất lượng cao
Được biết, trước khi cùng VISSAN và Nutifood ký kết chương trình hợp tác này, HAGL đã nung nấu cho một chiến lược đầu tư lâu dài để phát triển, khai thác nguồn nguyên liệu từ sản phẩm của 44.500ha cao su, 10.000ha mía đường, 12.300ha dầu cọ, 5.000ha bắp...
Mặt khác, tổng đàn bò của Việt Nam hiện nay đã giảm còn 5 triệu con (trước đây là 7 triệu con), lâu nay, VISSAN đã nhập bò sống từ Úc về giết mổ, cung cấp cho thị trường, nhằm giải quyết sự thiếu hụt về nguồn cung và góp phần ổn định giá cả. Hiện đàn bò Việt Nam trải đều từ trung du đến đồng bằng và miền núi, trọng lượng giống bò vàng nội địa chỉ có 250kg/con. Trong khi đó, Úc là một quốc gia hàng đầu về công nghiệp chăn nuôi bò với môi trường không có dịch bệnh, trọng lượng giống bò nhiệt đới như bò Brahman, bò Drought Master là 500kg/con.
Với thế mạnh về quỹ đất lớn để trồng cỏ, nguồn phụ phẩm sẵn có dồi dào từ cây bắp, cọ dầu và mía đường làm thức ăn cho bò..., HAGL đã thảo luận với VISSAN, đồng thời nhanh chóng triển khai chương trình chăn nuôi bò Úc với sự hợp tác tiêu thụ toàn bộ sản phẩm bò thịt theo giá thị trường. HAGL cũng là một đơn vị có tiềm năng đầu tư về cả vốn, kỹ thuật (được ứng dụng bởi những chuyên gia hàng đầu của ngành chăn nuôi từ Isarel).
Phát biểu tại lễ ký kết hợp tác, ông Văn Đức Mười - Tổng Giám đốc VISSAN cho rằng: Trước ngưỡng cửa gia nhập vào các tổ chức thương mại quốc tế, ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi đại gia súc nói riêng, cần có những nhà đầu tư biết tập trung cho chăn nuôi, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, có tầm nhìn về tiềm năng các mặt của ngành.
Một thị trường thịt bò được đáp ứng bởi chính chúng ta thay vì phải nhập khẩu, đó là niềm tự hào của ngành chăn nuôi bò thịt mà trước nay vốn rất yếu và thiếu nhiều điều kiện. Kinh nghiệm của Tập đoàn HAGL trong việc áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp cộng với đội ngũ chuyên gia giỏi, giàu nhiệt huyết của Công ty Nutifood và VISSAN; tin rằng trong một tương lai không xa, người tiêu dùng sẽ được sử dụng sữa tươi, thịt bò chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, góp phần cải thiện điều kiện thể chất của người Việt Nam.
Hay xa hơn, điều này còn góp phần dẫn đường cho một ngành chăn nuôi công nghiệp về bò chất lượng cao, giống mới tiên tiến, nâng cao sản lượng bò thịt cho Việt Nam, ngay tại đất nước Việt Nam cũng như các vùng thổ nhưỡng thích hợp lân cận…
QUỐC VIỆT