
(SGGPO). – Hôm nay, 4-7, thí sinh trên cả nước đã hoàn tất hai môn thi Toán, Lý. Trong ngày, đã có 76 thí sinh bị kỷ luật. Nhìn chung trong ngày thi đầu tiên, đề Toán và Lý vừa tầm, có tính phân loại thí sinh
Báo cáo nhanh về môn thi Lý chiều nay, Bộ GD-ĐT cho hay, đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; không có sai sót.

Thí sinh thi môn Lý tự tin ra về. Ảnh: Trần Thanh
Thí sinh thi môn Vật lí theo hình thức trắc nghiệm; thời gian làm bài 90 phút (từ 14 giờ 15 phút đến 15 giờ 45 phút). Nhìn chung, Quy chế thi tuyển sinh được thực hiện nghiêm túc tại các Hội đồng thi; không khí trường thi trật tự, an toàn. Trong buổi thi, có 56 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách 20, cảnh cáo 3; đình chỉ 32 và không được dự thi do đến muộn 1), tăng 33 trường hợp so với buổi thi sáng; có 2 cán bộ bị xử lý kỷ luật (1 khiển trách, 1 cảnh cáo).
Chiều nay, thời tiết và giao thông, khí hậu tại các thành phố lớn nhìn chung vẫn dịu mát, thuân lợi cho việc dự thi của thí sinh. Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tuy đôi lúc có mưa nhưng không ảnh hưởng nhiều đến việc dự thi của thí sinh.
Trao đổi với PV SGGP, một số thí sinh có học lực trung bình cho rằng chỉ làm được 40-50% đề Lý. Nhiều em than đề dài, có câu phải đọc tới 2-3 phút mới hiểu nội dung. Thí sinh Nguyễn Thị Hà đến từ trường THPT Hồng Thái, Đan Phượng, Hà Nội cho biết em chỉ làm khoảng 60-70% đề Lý chiều nay.
Như vậy, qua ngày đầu thi môn Toán, môn Lý, cơ bản có thể nhận thấy đề thi năm nay đúng như Bộ GD-ĐT tuyên bố là sẽ có tính phân loại cao. Có nghĩa là với phổ điểm rải đều ra và điểm cực đại của phổ điểm phải nằm trong vùng điểm trung bình để các trường có thể lựa chọn được thí sinh phù hợp vào học các ngành đào tạo ở các nhu cầu đầu vào khác nhau.
|
*Tại TPHCM, khoảng 13h30 hầu hết các thí sinh đều đã có mặt tại phòng để làm thủ tục thi môn thứ 2. Tuy nhiên, vẫn có không ít thí sinh đến sau khi các phòng thi gọi thí sinh vào phòng.
Tại điểm thi trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Thủ Đức) do phòng thi nằm khá sâu nên có một số thí sinh sợ trễ. Trước tình hình này, các sinh viên tình nguyện ở điểm thi này đã thiết lập “đội xe ôm” để chở các thí sinh này từ cổng trường đến phòng thi.
Theo một số thí sinh tại điểm thi Trường Đại học Giao thông-Vận tải, đề thi Lý năm nay tương đối khó. Tại điểm thi này không có thí sinh nào nộp bài ra khỏi phòng thi sớm.
Tình hình giao thông đầu buổi thi thứ 2 tương đối tốt không có tình trạng kẹt xe. Tuy nhiên vào thời điểm tan môn thi thứ 2 thì tình trạng ùn tắc cục bộ lại tái diễn tại khu vực đường D2, D5, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Võ Văn Ngân, Ngã tư Thủ Đức (quận Thủ Đức).

Cùng xem lại bài thi môn Lý
* Thống kê buổi sáng cho thấy có hơn 637.000 thí sinh cả nước dự thi đại học đợt 1 ở 3 khối A, A1 và V bước vào môn thi đầu tiên là môn Toán, thời gian làm bài 180 phút. Thời gian bắt đầu làm bài thi môn Toán là 7h15.

Vừa ra cổng các thí sinh đã chia sẻ với người thân về đề thi (Ảnh chụp tại điểm thi trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM sáng nay). Ảnh: Trần Thanh
Theo đánh giá của thí sinh, đề thi năm nay tương đối khó với phần kiến thức trải dài từ lớp 10 đến lớp 12.
Thí sinh Lê Thị Phương Hoàng, quê ở Lâm Đồng thi vào ngành Kỹ thuật hạt nhân Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc Gia TPHCM) cho biết, đề thi năm nay có 9 câu, gồm cả phần phân ban, tương đối khó. Em chỉ làm được khoảng 6 điểm. Kiến thức đề thi môn Toán trải đều ở 3 lớp 10, 11 và 12.
Trong khi đó, thí sinh Phạm Lê Sơn, thi vào Trường ĐH Mở TPHCM ngành Công nghệ Thông tin lại nhận xét rằng đề thi rất khó và em chỉ làm được khoảng 50%.
Tại điểm thi Trường THPT Bình Hưng Hòa thuộc hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, lúc 6h45 bị mất điện. Đến 7h, khi thí sinh đã vào phòng thi thì điện có lại.
Tại điểm thi Trường THPT Marie Curie thuộc hội đồng thi Trường ĐH Mở TPHCM, thí sinh Huỳnh Bảo Quốc (SBD A03458) thi tại phòng thi số 108 xin được không thi và ra ngoài khi giám thị đã bóc đề thi. Do đề thi đã bóc ra nên giám thị không cho phép thí sinh này ra ngoài và ngồi trong phòng thi đến hết giờ làm bài.
Cũng tại điểm thi này, dù phòng thi được bố trí từ 30 đến 33 thí sinh nhưng có rất nhiều thì sinh ngồi sát nhau. Nhiều phòng thi có đến 3, 5 bàn thí sinh ngồi cách nhau chừng 20 cm. Trong khi đó, quy chế tuyển sinh quy định mỗi thí sinh phải cách nhau 1,2m.
Theo ghi nhận tại điểm thi của Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Kinh tế TPHCM tại các phòng thi chỉ dán thông báo các loại vật dụng được phép mang vào phòng thi. Trong khi đó, các loại thiết bị ghi âm, ghi hình được Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được mang vào phòng thi không được dán thông báo trước cửa phòng thi.
Trao đổi về quy định này, một trưởng điểm thi của Trường ĐH Kinh tế TPHCM nói rằng: Cả cán bộ coi thi và giám thị đều bối rối với quy định này. Nhiều loại thiết bị tinh vi, nếu thí sinh mang vào thì họ cũng không có cách nào kiểm tra, còn nếu không cho mang vào phòng thi thì là không thực hiện theo đúng quy định của Bộ.
Trong khi đó, tại Trường ĐH Mở TPHCM, trong ngày làm thủ tục dự thi, nhiều thí sinh cũng thắc mắc và hỏi nhiều về quy định của Bộ GD-ĐT về việc cho phép mang vào phòng thi các loại thiết bị ghi âm, ghi hình.

Rất đông phụ huynh ngóng chờ thí sinh bên ngoài cổng trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM. Ảnh: Trần Thanh

Một số thí sinh dùng cơm hộp miễn phí của chương trình tiếp sức mùa thi ngay sau khi thi xong môn Toán. Ảnh: Trần Thanh
Sáng nay, tại khu vự dãy nhà X, dãy nhà V của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, thí sinh phải đi bộ lên tầng 13 và tầng 14 để thi. Nhiều thí sinh lên tới nơi đã mệt mệt lả người. Trong khi đó, các thang máy lại không có người trực nên thí sinh không biết cách sử dụng thang máy.
* Tại Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các thí sinh phải ngồi chờ hết giờ làm bài mới ra; chỉ có số ít thí sinh ra khỏi phòng thi sớm vì không làm được bài.
Tại trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, hầu hết các thí sinh cho rằng đề thi Toán không quá khó, không quá dài nhưng tính phân loại khá cao. Nếu học sinh có học lực môn Tóan trung bình thì chỉ làm được 3 đến 4 câu, còn lại phải là học sinh khá, giỏi môn Toán mới kiếm được điểm cao ở môn thi này.

Thí sinh trong giờ làm bài thi môn toán. Ảnh: Thanh Hùng
Thí sinh Trần Ngọc Trung, trường THPT Duy Tiên A, tỉnh Hà Nam dự thi vào ĐH Kiến trúc Hà Nội cho biết, em chỉ làm được khoảng 40% môn Toán (điểm tổng kết môn Toán lớp 12 của em chỉ đạt 6,6 điểm).
| |
Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Văn Minh, đến từ THPT Cao Bá Quát, Quốc Oai, Hà Nội cho hay, đề thi Toán vừa sức với những học sinh học khá môn Toán. Em làm được khoảng 50%, dù điểm tổng kết toán của em là 7,8 điểm. 3 câu về hình học phẳng, giải hệ phương trình, tìm giá trị lớn nhất, nhỏ nhất thì chỉ có học sinh giỏi mới có thể làm được.
Thí sinh Nguyễn Quang Đĩnh (trường THPT Thanh Thủy, Hòa Bình) dự thi vào Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thì rất tự tin với môn Toán. “Em làm được khoảng 90%”, Đĩnh cho biết.
Theo phản ánh chung của các thí sinh ở các điểm thi của trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, Học viện Bưu chính Viễn thông… kỷ luật phòng thi nghiêm túc; không có thí sinh bị đình chỉ thi. Không có hiện tượng thí sinh sử dụng các thiết bị thu hình.
Kết thúc môn Toán, tình hình giao thông ở các điểm thi khá lộn xộn. Hầu hết người nhà đứng đợi thí sinh dưới lòng đường, gây cản trở giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông, sinh viên tình nguyện phải làm việc khá vất vả để điều tiết luồng giao thông.
Tại nhiều cổng trường thi ở Hà Nội, ngay sau khi thí sinh ra khỏi phòng thi đã có nhiều người rao bán đáp án đề thi môn Toán với giá 10.000 đồng. Tuy nhiên, nhiều thí sinh nhanh chóng phát hiện đó đề giả, đáp án giả.
- Đà Nẵng: Hai thí sinh bị đình chỉ do sử dụng điện thoại di động
Theo báo cáo nhanh của Hội đồng tuyển sinh đại học Đà Nẵng, trong buổi thi đầu tiên, số thí sinh đến dự thi đạt 86,53%. Trong đó, tỷ lệ thí sinh dự thi cụ thể của từng khối là: khối A: 85,74%, khối A1: 90,67%, khối V: 86,53%.
Theo ghi nhận của phóng viên tại các điểm thi ở Đà Nẵng, thí sinh và phụ huynh có mặt từ khá sớm. Giao thông được đảm bảo, không xảy ra ùn tắc. Lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện tiếp tục phát huy hiệu quả đối với việc hỗ trợ công tác tổ chức thi.

Thí sinh Hồ Văn Lai (quê Quảng Trị) bị thương tật nặng do tai nạn bom mìn từ khi còn nhỏ nên bố phải đẩy xe lăn đưa đi thi tại điểm thi trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng). Ảnh: Nguyễn Hùng
Khác với những ngày trước, trong ngày đầu diễn ra kỳ thi tuyển sinh, thời tiết tại Đà Nẵng trở nên mát mẻ hơn.
Mặc dù được các giám thị nhắc nhở và phổ biến quy chế rất kỹ, nhưng trong buổi thi sáng nay vẫn có hai thí sinh bị đình chỉ do sử dụng điện thoại di động tại điểm thi trường CĐ Phương Đông và trường ĐH Ngoại ngữ
Huế: 2 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi
Tin từ Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế sáng 4-7 cho biết, buổi thi đại học đầu tiên có 17074 thi sinh dự thi/ tổng số hồ sơ 19474, đạt tỉ lệ 87,54%, trong đó khối A:86.60%; A1: 91.85%; V: 94.85%.
Theo đó, Đại học Huế đã bố trí 23 điểm thi tại đại học Huế với 1.498 cán bộ tham gia công tác coi thi, phụ trách điểm thi. Sau giờ thi tại một số tuyến đường Lê Lợi, Ngô Quyền, Đống Đa, cầu Phú Xuân… đã xảy ra kẹt xe cục bộ. Lực lượng CSGT đã nhanh chóng phân luồng giải phóng ách tắc giao thông.
Trong lúc đó, hơn 800 đoàn viên sinh viên tình nguyện viên thuộc tỉnh đoàn Thừa Thiên-Huế đã tiếp sức tại các địa điểm thi để tư vấn, hướng dẫn, giới thiệu thí sinh và người nhà tìm các điểm thi, phòng trọ miễn phí….

Thí sinh nghỉ ngơi và ăn trưa miễn phí tại Trung tâm Phật giáo Liễu Quán Huế. Ảnh: Văn Thắng
Môn thi đầu tiên phát hiện 2 thí sinh do mang điện thoại di động vào phòng thi bị đình chỉ. Khiển trách 2 thí sinh do nhìn bài của bạn.
Cần Thơ: Hàng ngàn suất cơm miễn phí cho sĩ tử
Cùng với nhiều hoạt động tiếp sức mùa thi, Đoàn TNCSHCM Trường ĐH Cần Thơ đã tổ chức hàng chục điểm phát cơm hộp và nước uống miễn phí cho các thí sinh và người thân.
Tại Hội đồng thi Trường Châu Văn Liêm, người dân trong phường An Cư, quận Ninh Kiều đã chuẩn bị 4.500 phần ăn để sẵn phía trước cổng trường.

Còn tại quán cơm 2.000, hẻm 3T2, đường 30-4, quận Ninh Kiều (nơi vào ngày thường bán cơm cho người nghèo với giá 2.000 đồng/suất) trong đợt thi này, quán cũng hỗ trợ thêm 400 suất ăn cho các thí sinh với giá 2.000 đồng/suất (ảnh trên).
Đây là năm thứ 2 quán cơm 2.000 Cần Thơ triển khai chương trình hỗ trợ thí sinh trong những ngày thi. Điều thú vị là nhiều sinh viên năm ngoái ăn cơm tiếp sức mùa thi của quán, năm nay các em tình nguyện đến để góp sức cùng với quán phục vụ các sĩ tử.
“Bữa cơm tuy không lớn nhưng với nhiều thí sinh nghèo, nó rất ý nghĩa. Em nhớ mãi những phần cơm tiếp sức năm ngoái”. – bạn Nguyễn Thị Ngọc Minh, sinh viên Đại học Y Dược Cần Thơ nói.
Đề Toán xuất hiện lúc 9h sáng trên mạng
Lúc 9h sáng nay, trên mạng xã hội facebook, tại Fanpage "Hội những người sinh năm 1993" đã xuất hiện bức ảnh chụp lại đề thi đại học môn toán khối A, A1. Bức ảnh này xuất hiện vào 9h sáng - tức là trước khi kết thúc thời gian dự thi 1 tiếng 15 phút.
Địa chỉ đường link xuất hiện đề toán tại: http://www.facebook.com/hoinguoisinhnam1993?ref=ts. Ngay sau đó chỉ vài phút, trên mạng đã có đáp án gợi ý của đề thi này.

Đề thi môn toán đã xuất hiện trên Facebook lúc 9h sáng nay
40 phút sau khi bức ảnh đề thi được post, bức ảnh đã lan truyền với tốc độ chóng mặt. Đã có 1.000 lượt like, 800 bình luận và 300 lượt chia sẻ.
Theo quy định, thời gian làm bài thi môn Toán sáng nay là từ 7h15 đến 10h15 phút. Như vậy, việc xuất hiện đề thi vào khoảng hơn 9h, trước 2/3 thời gian làm bài (là thời gian cho phép thí sinh nộp bài ra về) là sai với quy chế thi của Bộ GD-ĐT. Bởi thế, nhiều ý kiến đang nghi ngờ việc có đề thi ở trên mạng có thể do thí sinh trong phòng thi dùng các phương tiện thu hình và gửi trực tiếp qua mạng đến các địa chỉ trên. Cũng có thể từ khi có đề, người giải sẽ “bắn” trực tiếp bài giải qua phương tiện ghi hình của người nhận để làm bài.

Đề thi môn toán xuất hiện trên mạng dù chưa kết thúc buổi thi
Trao đổi với PV SGGP, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 cho biết, ngay sau khi nhận thông tin này, Bộ đang yêu cầu tất cả các bộ phận liên quan kiểm tra để có giải đáp rõ ràng trong thời gian sớm nhất. Với câu hỏi về khả năng đề thi bị tuồn ra sớm do thí sinh dùng thiết bị thu hình, ông Ga cho rằng cần kiểm tra, xác minh làm rõ mới có thể kết luận.
“Có thể có trường hiểu sai, cho phép thí sinh làm bài thi từ lúc 7h thay vì 7h15 phút. Trong trường hợp này thí sinh sẽ được ra từ 9h và mang theo đề thi”, ông Ga đặt giả thiết.
Sự cố tại trường Đại học Vinh
Sáng nay, tại phòng thi số 333, điểm thi THPT Dân lập Nguyễn Trường Tộ thuộc Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Vinh, 2 giám thị phòng thi ký nhầm vào ô chữ ký của giám khảo. Hội đồng tuyển sinh đã xử lý kịp thời: lập biên bản ghi nhớ để làm căn cứ tổ chức chấm chung các bài thi của phòng thi này (gồm 19 thí sinh thi vào Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh), đình chỉ làm công tác thi của 2 giám thị đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm cho cán bộ coi thi ngay sau buổi thi.
Đắk Lắk: Một thí sinh ngất xỉu
Dù rất mệt, nhưng thí sinh Nguyễn Thị Thùy (SN 1994, ở huyện Krông Năng, Đắk Lắk) dự thi vào ngành Công nghệ sau thu hoạch của Trường Đại học Tây Nguyên vẫn cố gắng hoàn thành bài thi môn Toán trong buổi thi sáng nay đã bị ngất xỉu.
Trước và trong khi thi, tình trạng sức khỏe của Thùy rất yếu do thường xuyên bị hạ canxi nhưng em vẫn cố gắng hoàn thành bài thi.

Thí sinh Nguyễn Thị Thùy được Đội tình nguyện viên y tế sơ cứu tại phòng bảo vệ nhà trường. Ảnh: Công Hoan
Khi vừa hết giờ làm bài, Thùy đã ngất xỉu trước cửa phòng thi, được người nhà và các tình nguyện viên đưa vào phòng bảo vệ sơ cứu, rồi đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Theo các bác sĩ, sức khỏe Thùy đã tương đối ổn định nhưng không đủ thể tiếp tục thi các môn còn lại.
Đà Lạt: Đi thi bằng xe cứu thương
Đó là trường hợp của hai thí sinh Nguyễn Nguyên Khánh và Lê Tuấn Vũ, dự thi tại Hội đồng thi Đại học Đà Lạt.
Nguyễn Nguyên Khánh (ở thành phố Đà Lạt) thi vào ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Truyền thông, bị gãy chân vài ngày trước khi thi; còn Lê Tuấn Vũ (ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) thi vào ngành Sư phạm Toán, bị xe tông ngay trước ngày thi.
Hai thí sinh này đã được Hội đồng tuyển sinh Đại học Đà Lạt bố trí xe y tế chở vào tận phòng thi.

Thí sinh Nguyễn Nguyên Khánh được xe cứu thương chở vào tận phòng thi. Ảnh: Nam viên
Theo ghi nhận của PV, sáng 4-7, thí sinh đi thi trong thời tiết đẹp, trời mát mẻ và không mưa.
Hôm qua, 3-7, Đoàn kiểm tra công tác thi của Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã đi kiểm tra công tác tổ chức thi và làm thủ tục dự thi cho thí sinh tại một số hội đồng tuyển sinh ở Hà Nội.
Nội dung đoàn kiểm tra đặc biệt quan tâm là việc các trường thực hiện bổ sung quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT về những loại máy ghi âm, ghi hình, thiết bị điện tử được mang vào phòng thi. Thực tế cho thấy, nhiều giám thị còn lúng túng về thiết bị nào được và không được mang vào phòng thi. Mỗi trường có một cách làm khác nhau.
Đại học Thăng Long cụ thể hóa những vật dụng mà thí sinh không được mang vào để phổ biến cho thí sinh. Theo đó, thí sinh sẽ không được mang vào phòng thi thiết bị thu phát, máy nhắn tin, bút ghi âm, máy MP3, MP4…
Trường Đại học Hà Nội, thay bằng việc cụ thể hóa nội dung thông tư ban hành việc bổ sung quy chế tuyển sinh này thì trường này lại cho giám thị đọc công văn giải thích quy chế của Bộ GD-ĐT tại mỗi phòng thi…
| |
Trước thực tế này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Quy chế tuyển sinh đã quy định những vật dụng được mang vào phòng thi, các hội đồng thi chỉ cần phố biến cho thí sinh các quy định đó. Việc sửa đổi điều 25 quy chế tuyển sinh và các công văn giải thích quy chế của Bộ GD-ĐT mới ban hành là nhằm đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.
Các quy định trên chỉ nhằm để xử lý trong các trường hợp thí sinh mang các vật dụng khác vào phòng thi, không phải là quy định thêm về các vật dụng được mang vào phòng thi. Những vật dụng thí sinh được phép mang vào phòng thi đã quy định rõ tại điểm c điều 25 của quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012, không có gì thay đổi nên thí sinh không nên bận tâm về việc này.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng nhấn mạnh, việc điều chỉnh quy chế tuyển sinh là để tăng cường giám sát kỳ thi nghiêm túc. Thí sinh, những người tham gia công tác tổ chức thi và quần chúng nhân dân nếu phát hiện những tiêu cực, vi phạm qui chế tuyển sinh thì cung cấp thông tin, bằng chứng tại những địa chỉ quy định để các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời.
Gặp gỡ động viên các thí sinh, Thứ trưởng Bùi Văn Ga căn dặn, các em cần tự tin, chuyên tâm làm bài thi, chấp hành tốt quy chế thi. Đề thi năm nay sẽ vẫn nằm trong chương trình phổ thông, sẽ có một số câu dễ để học sinh trung bình có thể làm được, nhưng cũng sẽ có những câu khó để phân loại trình độ, năng lực của thí sinh. Khi làm bài thí sinh không nên tập trung quá nhiều thời gian vào câu hỏi khó mà nên phân tích, làm những câu hỏi dễ trước.
Năm nay, Bộ GD- ĐT không giới hạn số lần xét tuyển cũng như không quy định điểm xét lần sau cao hơn lần trước cho nên cơ hội trúng tuyển của các em sẽ nhiều hơn.
Nhóm Phóng viên SGGP