Điều hy hữu này chứng tỏ giới làm nghề kỳ vọng vào sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong xu thế hội nhập và giữ gìn bản sắc dân tộc. Nhưng liệu “bình mới với rượu mới” có giải quyết được những vấn đề tích tụ trong điện ảnh cả chục năm nay?
Điều cần nói là trong các loại hình nghệ thuật, chỉ điện ảnh là có luật riêng được Quốc hội thông qua và áp dụng từ năm 2007, theo đúng những lời lãnh tụ vô sản V.I Lenin nói từ cách đây hơn một thế kỷ rằng “điện ảnh là quan trọng nhất trong các loại hình nghệ thuật”. Song hy vọng bao nhiêu thì chúng ta sớm thất vọng bấy nhiêu vì lượng không tương xứng với chất. Nhiều năm nay, nhà nước chỉ đầu tư nhỏ giọt cho điện ảnh với dăm ba bộ phim làm theo đơn đặt hàng chủ yếu để cho có góp mặt dịp lễ lạt, kỷ niệm. Thường là cho đi, không thu hồi được vốn nên có lúc bỗng dưng một bộ phim có lời thì lại ngỡ ngàng không biết chia lợi tức ra sao như bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” dựa theo truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được Bộ Tài chính rót vốn 10 tỷ đồng thực hiện cùng tư nhân phải mất vài năm mới giải quyết phần “dôi dư” vì thiếu hợp đồng phụ chia lời!
Lý do là không ngờ phim nhà nước lại có doanh thu “khủng”. Điều thấy rõ nhất là chúng ta chưa giải quyết ổn thỏa mâu thuẫn giữa cơ chế quản lý nhà nước chưa bắt kịp với sự phát triển của kinh tế thị trường mà vụ cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam ở Hà Nội là minh chứng nổi trội. Đã 2 năm sau khi hãng vận tải đường thủy VIVASO mua lại cổ phần chính thì mọi hoạt động đều tê liệt vì sự phản đối của người trong cuộc và thiếu những quy định rõ ràng từ phía cơ quan chủ quản là Bộ VH-TT-DL. Nhưng qua vụ này cũng cần phải nói rõ, người làm điện ảnh không thể cứ “ăn mày dĩ vãng” bám vào “thương hiệu 60 năm”, sống nhờ vào đồng tiền ngân sách phải chia năm xẻ bảy phục vụ cho nhiều mục tiêu quốc kế dân sinh.
Từ 2015 đến nay, mỗi năm chúng ta sản xuất và phát hành trên dưới 40 bộ phim, đa phần là phim của các hãng làm phim tư nhân ở TPHCM. So với quy mô và tiềm năng thị trường, số phim này chỉ chiếm vụn bánh trong miếng bánh ước tính có giá 300 triệu USD. Tất nhiên cũng cần hạn chế phim ngoại nhập (khoảng 200 phim mỗi năm) và chiếu phim Việt vào khung giờ vàng (90% phòng chiếu là của nước ngoài hoặc có yếu tố nước ngoài) nhưng cần khẳng định nguyên nhân chính là phim nội địa “có vấn đề về chất lượng” khi quanh đi quẩn lại là những phim làm lại từ phim nước ngoài hoặc quá nhàm chán về đề tài, hết tấu hài, kinh dị lại hài tấu, kinh dị. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật có thiếu vẫn tìm được, vẫn bổ khuyết trong ngày một ngày hai như máy móc, kỹ thuật dựng phim, hậu kỳ…, nhưng thiếu hụt nguồn nhân lực, từ biên kịch đến đạo diễn, mới là vấn đề của vấn đề.
Dù rằng trong năm nay chúng ta cho các trường đại học tư nhân mở mã ngành đào tạo nghệ thuật, với phương châm “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, cứ xin là cho nhưng giảng viên lại thiếu và yếu nên lâm vòng luẩn quẩn là cũng chỉ có ngần đấy ông/bà đạo diễn, ngần đấy cô cậu diễn viên chạy hết phim này đến phim kia. Năm nay, học tập Hàn Quốc xây dựng điện ảnh dân tộc, chúng ta cũng cấp “quota” cho 12 tài năng điện ảnh đi học ở Mỹ (10 người) và Australia (2 người), song tất cả cũng chỉ như muối bỏ biển nếu không cách mạng hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực trong nước, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng mơ ước về một nền giáo dục “trường ra trường, lớp ra lớp; thầy ra thầy, trò ra trò”.
Nhìn rộng ra, các nền điện ảnh lớn quanh chúng ta đều quay ngoắt, hướng tới mục tiêu “ngoại lực là quan trọng nhưng nội lực mới quyết định”. Như Trung Quốc sau thất bại của chính sách “quyền lực mềm” qua truyền bá hình ảnh đất nước bằng các tác phẩm điện ảnh với doanh thu quốc tế chỉ chiếm 1% tổng doanh thu đã quay lại làm phim bom tấn phục vụ thị trường nội địa có 1,4 tỷ dân. Và họ đã đạt mục đích khi bộ phim mới nhất là “The Eight Hundred” (Bát Bách) đầu tư kinh phí 80 triệu USD đã thu về 425 triệu USD chỉ sau một tháng trình chiếu, trở thành bộ phim ăn khách nhất toàn cầu trong mùa dịch Covid-19. Bởi vậy nên câu hỏi đặt ra đối với các nhà làm phim Việt là phải bằng “hàng Việt Nam chất lượng cao” chiếm lĩnh thị trường 100 triệu dân. Không còn cách khác, không còn đường thoái lui. Tất nhiên, chúng ta phải sửa Luật Điện ảnh như quy định rạch ròi tỷ lệ phim nội/ngoại chiếu rạp, bổ sung quy định mới với loại hình xem phim trên môi trường internet…, song điều đó cũng dễ làm vì luật trong tay ta, cần thiết ta bổ sung, sửa đổi. Quan trọng hơn cả là tạo ra tác phẩm điện ảnh xứng tầm, một trong những nhiệm vụ đặt ra với Hội Điện ảnh Việt Nam khi có chủ tịch mới.