Kỳ vọng thông điệp giảm lãi suất

Trao đổi với báo chí, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết trong tuần này sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại lớn bàn về một gói giải pháp đồng bộ để giảm lãi suất. Gói giải pháp này sẽ chính thức được triển khai từ đầu tháng 9 nhằm hiện thực hóa thông điệp mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra trước đó: Lãi suất cho vay sẽ giảm xuống 17% - 19% trong tháng 9-2011.

Hiện nay, với chính sách thắt chặt tiền tệ và tín dụng để chống lạm phát, lãi suất cho vay trên thị trường đang ở mức rất cao khiến nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Lãi suất vay trên 20%/năm được đánh giá là vượt quá xa so với sức chịu đựng của doanh nghiệp, khiến một số doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, thậm chí có doanh nghiệp ngừng hoạt động. Chính vì thế, thông điệp giảm lãi suất của Thống đốc Nguyễn Văn Bình được dư luận, nhất là giới doanh nghiệp chờ đợi và đặt nhiều kỳ vọng.

Thực trạng của nền kinh tế và thị trường tiền tệ đang đặt NHNN trước tình thế phải có biện pháp xử lý 3 vấn đề cấp bách: giảm lãi suất cho vay; giữ cho được sự ổn định tương đối của tỷ giá VND/USD trước áp lực lạm phát và tăng cầu ngoại tệ; khơi thông nguồn vốn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh đang có dấu hiệu lâm vào đình đốn do thiếu vốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát vẫn đang ở mức khá cao và có khả năng tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm, bài toán giảm lãi suất vẫn là một thách thức lớn không dễ hóa giải.

Về nguyên lý, ai cũng hiểu rằng khi lạm phát đang ở mức cao thì giảm lãi suất là một mong muốn ngoài tầm với. Tại một cuộc hội thảo về chính sách tiền tệ vừa được tổ chức ở Hà Nội cuối tuần trước, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng việc NHNN tuyên bố giảm nhanh lãi suất cho vay về 17% - 19%/năm ngay trong tháng 9 là khó khả thi và phát đi tín hiệu sai cho thị trường là lạm phát sẽ giảm, trong khi thực tế lạm phát có thể quay lại xu hướng tăng mạnh bất cứ lúc nào. Nhưng một số chuyên gia cũng cho rằng, nếu để lãi suất ở mức quá cao như hiện nay cũng chưa hẳn đã giúp chống lạm phát. Vì thế, cần có giải pháp điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ để tạo cơ hội giảm lãi suất.

Về phía cơ quan quản lý, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, với tình hình hiện tại, hoàn toàn có cơ sở để giảm lãi suất cho vay xuống mức 17% - 19% vào tháng 9 và ông cũng đã hé lộ một số khả năng điều chỉnh chính sách để thực hiện một gói giải pháp giảm lãi suất. Cụ thể, hiện nay thanh khoản cũng như vốn của các tổ chức tín dụng đang tương đối tốt. Trong 2 tháng qua, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng luôn bình ổn, dao động trong khoảng 12% - 15%/năm. Và khi vốn đã có, giữa các ngân hàng vay mượn lẫn nhau với lãi suất tối đa chỉ khoảng 15%/năm, nghĩa là vốn cho nền kinh tế đã sẵn sàng. Tuy nhiên, khó khăn là hiện có một số ít tổ chức tín dụng mất cân đối lớn giữa nguồn và sử dụng nguồn, gây ra những nhu cầu thất thường trên thị trường, làm tâm lý ổn định của thị trường bị ảnh hưởng.

Vấn đề đặt ra là phải có các giải pháp để điều hòa dòng vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu, đồng thời tạo sự liên thông giữa thị trường liên ngân hàng và thị trường huy động vốn từ dân cư, doanh nghiệp. Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã đề cập tới khả năng sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc để hút tiền về trước áp lực lạm phát cuối năm. Tuy nhiên, để điều hòa tác động, NHNN có thể trả lãi suất cho tiền gửi dự trữ bắt buộc “ở mức chấp nhận được” để tránh dồn chi phí của các ngân hàng thương mại vào lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, Thông tư số 13 và một số điểm sửa đổi sau đó bằng Thông tư số 19 về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động tổ chức tín dụng cũng được Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiết lộ là sẽ có sửa đổi. Hiện chưa rõ nội dung sửa đổi như thế nào nhưng có thể dự tính một điểm đến là quy định về tỷ lệ cấp tín dụng từ vốn huy động 80%/85% hiện nay -  mà một số chuyên gia xem đó là “cái ao đọng vốn” - như một điều chỉnh để góp phần trung hòa tác động của giải pháp dự trữ bắt buộc. Một vấn đề khác được đặt ra là cơ chế trần lãi suất huy động VND hiện nay cũng có thể thay đổi, theo quan điểm của Thống đốc Nguyễn Văn Bình là hạn chế những can thiệp hành chính mà thay bằng các điều chỉnh kỹ thuật. Nếu cơ chế này thay đổi, lãi suất huy động được trả lại cho thị trường điều tiết và các công cụ điều hành gián tiếp can thiệp sẽ được tính đến.

Tháng 9 đã rất gần, nghĩa là thời gian để thông điệp giảm lãi suất mà người đứng đầu cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đưa ra trở thành hiện thực không còn nhiều. Biết rằng điều hành giảm được lãi suất trong lúc lạm phát đang cao là một bài toán khó nhưng dư luận vẫn rất kỳ vọng vào Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nhất là khi ông khẳng định: “Nói như vậy không phải hô khẩu hiệu, mà nói là làm”.

Bảo Minh

Tin cùng chuyên mục