
Sau nhiều tháng oi bức, những cơn mưa đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện ở TPHCM. Tuy nhiên, mùa mưa đến cũng mang theo nhiều nỗi lo. Đó là tình trạng rào chắn “lô cốt” xiêu vẹo, mặt đường lồi lõm ổ gà, nước ngập sâu cả mét sau những trận mưa…
Trời kêu ai nấy... chịu
Kết quả kiểm tra các công trình đang thi công có rào chắn chiếm dụng mặt đường trên địa bàn TPHCM của Thanh tra Sở GTVT, từ ngày 18-6 đến ngày 24-6-2010, các gói thầu thuộc dự án Vệ sinh Môi trường TP (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) đang đi vào giai đoạn cuối nên hầu hết các nhà thầu chỉ tập trung hoàn tất việc thi công, ít quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn.
Do đó, nhiều vị trí rào chắn trên các tuyến đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận), Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), Trường Chinh (quận Tân Bình), Bùi Hữu Nghĩa, Hoàng Sa, Trường Sa (quận Bình Thạnh)… hàng rào tôn đã cũ kỹ, xiêu vẹo, chân trụ nơi còn nơi mất, nhưng vẫn không được đơn vị thi công thay thế, sửa chữa kịp thời.
Có mặt tại một vị trí rào chắn trên đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) vào sáng 2-7, chúng tôi thấy nhiều đoạn thi công công trình không còn rào chắn, phần mặt đường đang thi công và phần đường dành cho xe chạy chỉ được ngăn cách bởi một sợi dây lụa mỏng manh.

Rào chắn “lô cốt” trên đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) sơ sài khiến nhiều xe máy bị “sụp hố”. Ảnh: THANH THU
Theo phản ánh của người dân nơi đây, đã có nhiều trường hợp người đi đường té ngã do độ chênh giữa hai phần đường, nhất là vào giờ tan tầm và buổi tối. Riêng vị trí rào chắn trên đường Bùi Hữu Nghĩa, đoạn đi qua cổng Trường THCS Lam Sơn (quận Bình Thạnh), hàng rào tôn đã mục nát, xiêu vẹo, mỗi khi có gió to lại rung lên bần bật khiến người đi đường nơm nớp lo sợ hàng rào đổ sập. Lực lượng Thanh tra Sở GTVT đã nhắc nhở nhiều lần nhưng vi phạm vẫn tái diễn.
Ngoài các nguy cơ sụp hố và té ngã do bị hàng rào tôn đè, người dân còn đối mặt với các nguy cơ khác cũng nguy hiểm không kém. Đó là tình trạng mặt đường đá dăm lởm chởm, ổ voi, ổ gà chằng chịt, sẽ trở thành những cái “bẫy” đối với người đi đường khi mưa xuống.
Chị Lê Thị Mai, chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh) cho biết, sáng nào vợ chồng chị cũng thu dọn đá dăm, đổ cát lên các phần đường bị lún sụp trước cửa nhà do việc tái lập mặt đường cẩu thả của các đơn vị thi công công trình. Anh chị những mong giảm bớt nguy cơ tai nạn cho người đi đường. Nhưng đó chỉ là vá víu tạm thời, sau mỗi giờ tan tầm, vỉa hè lại bị cày nát.
Chiến đấu với thủy thần
Trận mưa chiều 1-7 vừa qua tuy không lớn nhưng đã khiến nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm TPHCM ngập nặng, nhiều nơi mực nước cao đến hơn 20cm. Anh Minh Long, nhà ở đường 3 Tháng 2 (quận 10), cho biết: “Nước ngập hơn nửa bánh xe khiến hàng loạt xe gắn máy phải dẫn bộ. Nhiều người dắt xe lên vỉa hè chờ nước rút mới dám đi tiếp. Giao thông dồn cục, nhiều nơi nước tràn cả vào nhà dân, kéo theo bao ni lông, rác rưởi hôi thối không chịu được”.
Tình hình tương tự cũng xảy ra ở các tuyến đường Kỳ Đồng, Lê Văn Sỹ (quận 3), Bà Hom, Kinh Dương Vương (quận 6), Nguyễn Hữu Cảnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ngô Tất Tố, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh)… Riêng ở tỉnh lộ 43, đoạn qua phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, nước ngập sâu gần 1m khiến xe cộ phải lặn lội giữa biển nước.
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP, tính đến đầu tháng 6-2010, trên địa bàn TPHCM còn hơn 100 vị trí bị bít đường cống thoát nước khiến nhiều khu vực bị ngập nặng, dù lượng mưa chưa lớn. Những khu vực có nguy cơ ngập nặng nhất là Tân Hóa - Lò Gốm, phía Bắc kênh Tàu Hủ, khu vực vòng xoay Cây Gõ… thuộc các quận 6, 10, 11.
Mùa mưa đã đến và người dân TP đối mặt với nhiều nguy cơ hơn. Nhiều người đặt câu hỏi, đến bao giờ các tuyến cống thoát nước trên địa bàn TP mới được khơi thông, người dân thoát khỏi cảnh “sống chung với nước bẩn?”. Vai trò của những người có trách nhiệm ở đâu?
THU TÂM