Làm đúng hơn và làm tốt hơn

Trong 3 chìa khóa để khơi thông và phát triển nội lực TPHCM thì thể chế và nhân lực gần như là 2 trong 1, bởi suy cho cùng con người thiết lập thể chế; những vướng mắc về cơ chế làm cản trở sức người. 

Trong đó, nhân lực của nền công vụ quyết định thành bại việc vận hành bộ máy đô thị có hiệu lực, hiệu quả thật sự hay không.

screenshot-2024-02-27-054235-3710-3378.png

Đối diện với “cơn khủng hoảng trưởng thành” trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nhất là trong và sau đại dịch Covid-19, có thể thấy chưa bao giờ thành phố lại (phải) thúc đẩy quyết liệt nhưng cũng hết sức cẩn trọng, chặt chẽ về quy trình, phép ứng xử để củng cố và tạo lập một bộ máy công vụ vượt qua “khủng hoảng”, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Lãnh đạo thành phố, cụ thể là Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TPHCM cùng đứng ra bảo lãnh trách nhiệm chính trị trước các đề xuất mang tính đột phá, tính thực tiễn cao (nhưng còn ít nhiều độ vênh với một số văn bản), thể hiện đúng tinh thần dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Hay giải pháp “2 tham mưu” gồm 1 dành cho tham mưu trên quy định có sẵn và 1 là tham mưu gỡ vướng, người duyệt giải pháp cuối cùng sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về quan điểm lựa chọn, quyết định.

Hai ví dụ nói trên cho thấy không chỉ dừng lại ở những cam kết chính trị chung nhất mà nó trực diện đi vào giải quyết cùng lúc 2 yếu tố động lực và năng lực từ chính người đứng đầu, thủ trưởng, tức họ chứng minh cụ thể việc nhận diện rõ đâu là công việc tham mưu, đâu là công tác xử lý, thực thi và đâu là vai trò quản lý, lãnh đạo để từ đó quy chiếu khung trách nhiệm. Cái “dám” mới nhất là thủ trưởng, người đứng đầu các cấp quản lý, phụ trách chủ động nhận trách nhiệm hoàn toàn với các quyết định, chữ ký chứ không “đổ” về cho tham mưu, đề xuất sau khi các bộ phận này cũng phải “sòng phẳng” mà làm hết động lực, năng lực.

Rõ ràng, khi đã tạo lập được một môi trường công vụ minh bạch, ổn định, công bằng thì động lực làm việc được xác lập và năng lực sẽ được đánh thức. Hệ thống pháp luật phải hạn chế các điểm mờ, các rủi ro pháp lý và nguồn thu nhập phải thực sự đủ sống là hai tiêu chí “cần và đủ”. Đáp lại, trong hệ thống đánh giá, cần xây dựng tiêu chí, thước đo rõ ràng, loại bỏ tính cào bằng, cả nể và đặc biệt phải gia tăng trách nhiệm giải trình của công chức thì mới tạo động lực làm việc, khai thác năng lực đúng người đúng việc.

Thành phố và cả Trung ương cũng đều cho thấy nỗ lực tạo lập một môi trường công vụ bao gồm tính chặt chẽ, hợp lý, ổn định của hệ thống pháp lý và cơ cấu tổ chức để đảm bảo tính thông suốt, hiệu quả trong vận hành guồng máy dịch vụ công. Song, phải đẩy mạnh, đẩy nhanh hơn nữa trong thực tế việc điều chỉnh các nhóm quy định vốn là cơ sở để dám nghĩ, dám làm: việc nào TPHCM tự quyết và đã thực hiện; việc nào đã được cho phép trong Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội và (vẫn) đang chờ các hướng dẫn cụ thể, như nội dung phân cấp; việc nào thành phố tiếp tục đề xuất để được tháo gỡ, nhất là các định hướng lớn trong các Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 không chỉ liên quan đến thành phố.

TPHCM đang hướng tới xây dựng chuỗi đô thị, tức có nhiều đô thị trong một đô thị. Mỗi đô thị trong đô thị TPHCM là một cấp chính quyền hoàn chỉnh. Điều này đồng nghĩa cần có một nền công vụ tương xứng, tương thích và có tính khả dụng cao với một đô thị tiên phong.

Trong đó, cần cơ chế lãnh đạo tập thể phù hợp với mô hình chính quyền đô thị như thiết lập chế độ thủ trưởng ở cơ quan hành chính, để tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, giảm cấp phó triệt để; chế độ làm việc nhanh và nhạy hơn, phát huy năng lực và trách nhiệm cá nhân sẽ rõ ràng; phát huy tối đa quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu các sở - ngành trong vai trò quản lý nhà nước chứ không chỉ là cơ quan tham mưu, giúp việc UBND TP.

Tận dụng để triển khai ngay các nội dung có liên quan đã được chế định trong Nghị quyết số 98, trong đó minh thị quan điểm mỗi cấp chính quyền, dù quy mô nào thì cũng phải đi đôi với cơ chế tự chủ ngân sách thực sự có quyền quyết định trong việc thu - chi ngân sách theo phạm vi thẩm quyền đã được xác định.

Tại hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và giải pháp tháng 3 năm 2024 vừa qua, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã nêu những báo cáo đúng quy định, quy trình nhưng không có giá trị, không tạo nên kết quả, hiệu quả công việc. Đồng chí yêu cầu cán bộ không chỉ làm đúng, làm tốt mà mỗi ngày cần đúng hơn nữa - tức đề xuất các giải pháp và kiên trì theo đuổi để được thông qua hoặc thí điểm; làm tốt hơn nữa - tức nâng cao chất lượng cả trong tham mưu lẫn tổ chức triển khai.

Và “lõi” của một nền công vụ là mỗi ngày “làm đúng hơn và làm tốt hơn”; không đâu xa, nó sát sườn, thiết thực chính là ở chỗ ấy!

Tin cùng chuyên mục