Làm mới các động lực tăng trưởng cũ

Sau xung đột kéo dài giữa Nga - Ukraine, căng thẳng thương mại không hồi kết giữa Mỹ - Trung, lại đến chính sách ngừng xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã tác động mạnh đến an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh kinh tế toàn cầu.

Sự liên lập giữa hệ thống ngân hàng với các tổ chức tài chính phi ngân hàng, thị trường chứng khoán và bất động sản một khi đã bùng phát rủi ro mất kiểm soát thì dễ dẫn tới hệ lụy “đám cháy lan”.

Trong tháng 8, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s và S&P đã cảnh báo và hạ bậc tín nhiệm nhiều ngân hàng tại Mỹ. Một số doanh nghiệp bất động sản lớn hàng đầu tại Trung Quốc phá sản hoặc có nguy cơ phá sản và rủi ro sang hệ thống tài chính, buộc Trung Quốc phải triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ thị trường.

Trên nền tăng trưởng GDP toàn cầu dự báo giảm từ mức 3,5% trong năm 2022 xuống mức 3% (IMF, tháng 7-2023) hoặc 2,7%-2,9% (OECD, tháng 6-2023) trong các năm 2023 và 2024, thì tăng trưởng GDP Việt Nam cũng không thể nằm ngoài đà giảm với mức 5,8% và 5,2% (dự báo trước là 6,5% và 6,6%) - theo Ngân hàng Phát triển châu Á, hay chuyên gia OECD hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam xuống 4,9%, nhưng dự kiến sẽ tăng lên 5,9% vào năm 2024.

Một mặt, chúng ta không bi quan bởi tiềm năng, triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn của Việt Nam là điều được các chuyên gia, tổ chức kinh tế thế giới đánh giá cao. Song, cũng chính các chuyên gia, tổ chức kinh tế đều đưa ra các đánh giá lạc quan về tiềm năng, bởi nhìn tổng thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, tỷ lệ về nợ công, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách đều dưới ngưỡng cho phép; nợ xấu được kiểm soát, tỷ giá khá ổn định.

Nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng và vẫn là một “điểm sáng” trong “bức tranh màu xám” của nền kinh tế toàn cầu. Mặt khác, chúng ta cũng không hề “lạc quan tếu” khi những dự báo từ quý IV-2022 vẫn tiếp tục đúng và bao phủ lên cả năm 2023 bởi sự khó khăn, tăng trưởng thấp trên cả 3 trục động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

Nhìn từ TPHCM, trong tháng 8 đã có dấu hiệu khởi sắc cho đến hết quý 3, dù khá chậm nhưng ở góc độ tổng cầu, nhất là tiêu dùng hàng hóa, vẫn duy trì mức tăng nhẹ. Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế thành phố là đầu tư công, nên điều cần bàn là phải xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công và các quy định liên quan phù hợp, bởi nếu giải ngân được 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 thì sẽ đóng góp tới 2 điểm % vào tăng trưởng GDP năm 2023.

Các chuyên gia tại các diễn đàn chính sách đã đề nghị bên cạnh thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm, cần cân nhắc sử dụng tín dụng thuế đầu tư, một hình thức cam kết hoàn thuế dựa trên chi phí đầu tư, vào những lĩnh vực Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia.

Một ghi nhận nữa là vốn đầu tư nước ngoài đang có chiều hướng tăng. Để hướng tới xuất khẩu bền vững, cần tranh thủ tối đa các thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống, phát triển thị trường mới, thị trường ngách, đáp ứng nhanh, kịp thời yêu cầu mới của nước đối tác xuất khẩu.

Khai thác tốt hơn các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đa dạng hóa hàng hóa và thị trường xuất khẩu, đầu tư. Nhiều doanh nghiệp đã đề xuất các mô hình kinh doanh mới khác nhau gắn với các công cụ tài chính để kích thích tổng cầu. Chẳng hạn như các mô hình kinh tế đêm, mà tiêu điểm là khu vực trung tâm của các thành phố lớn; mô hình khu phi thuế quan tập trung, trung tâm bán hàng giảm giá (factory outlet) tại một số địa điểm du lịch, cửa hàng miễn thuế nội đô để thu hút khách du lịch, tăng chi tiêu của khách du lịch khi đến TPHCM và Việt Nam.

Có hai “đòn bẩy” chủ lực mà thành phố đang xúc tiến mạnh mẽ: (i) làm mới các động lực tăng trưởng cũ, tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư; (ii) tận dụng triệt để các “động lực” mới trong Nghị quyết 98 để kích hoạt đầu việc “dám đột phá” trong hệ thống sở, ngành, quận, huyện; từ việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động, lãi suất ngân hàng giảm thúc đẩy dư địa kích cầu tiêu dùng.

Kể cả áp lực cạnh tranh tích cực đến từ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ vừa được ký kết, thông qua những “đại bàng” về ngành công nghệ chip bán dẫn đang gầy tổ tại Việt Nam, trong đó có TPHCM (ngoài Intel hiện đang chuẩn bị khởi động với Synopsys triển khai một trung tâm ươm tạo và thiết kế chất bán dẫn phối hợp với Khu Công nghệ cao TPHCM và Marvell cũng sẽ thành lập một trung tâm thiết kế chất bán dẫn đẳng cấp thế giới tại thành phố).

Kết nghĩa giữa TPHCM và thành phố New York vừa được ký kết cụ thể hóa cam kết giữa hai nước trong tuyên bố chung vì mục đích phát triển kinh tế, tăng cường thịnh vượng. Đây là những nền tảng - từng bước - cho các trọng tâm kinh tế ở các mức độ khác nhau trong những tháng cuối năm!

Tin cùng chuyên mục