Làm nóng thị trường

Không khí làm việc, sản xuất kinh doanh những ngày đầu năm đang được “hâm nóng” mạnh mẽ nhờ nhiều tin vui. Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ lãi suất (LS) cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng (NH) để sản xuất-kinh doanh với mức hỗ trợ 4%/năm. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định từ ngày 1-2, LS cơ bản bằng VND giảm xuống 7%/năm, đưa LS cho vay tối đa bằng VND xuống 10,5%/năm.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng được thực hiện LS thỏa thuận đối với cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng trên cơ sở cung-cầu vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Tuy nhiên, để “nhịp sống” trở nên sôi động hơn nữa, đòi hỏi chúng ta cần có nhiều chuyển biến. Bởi những nguy cơ của năm 2008 vẫn còn đó, việc tiêu thụ sản phẩm của nhiều doanh nghiệp (DN) giảm 30%-40% khiến hầu hết DN phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động…

Không những vậy, trong thời gian tới, DN cũng chưa nhìn thấy các dấu hiệu khả quan của thị trường. Tình hình đó buộc các DN phải “nhìn lại mình” rõ hơn, điều nghiên lại kỹ hơn nữa nguyên tắc cung cầu của thị trường.

Dù không quan trọng hơn so với yếu tố thị trường nhưng vốn cũng là vấn đề gây đau đầu rất nhiều cho DN. Theo các hiệp hội DN, mức LS trên vẫn còn khá cao so với mặt bằng tỷ suất lợi nhuận kinh doanh có thể đạt tới trong điều kiện hiện nay. Chưa kể đến nhiều DN còn đang phải oằn mình gánh chịu mức LS 18%-21%/năm của nguồn vốn vay vào thời điểm quản chặt tiền tệ. Theo các DN, mức hỗ trợ LS 4%/năm chỉ là hỗ trợ ngắn hạn trong năm 2009 và vẫn chưa giảm đến ngưỡng sinh lợi an toàn cho DN, cần bù 50% LS, nhất là với các dự án trung và dài hạn.

Riêng cộng đồng DN còn lao đao hơn với vòng luẩn quẩn: thiếu tài sản thế chấp để vay vốn, thiếu tài chính dẫn đến khó khăn trong tiếp cận đất đai, mặt bằng để tổ chức sản xuất kinh doanh, từ đó kéo theo công nghệ lạc hậu, năng lực cạnh tranh kém, thiếu thông tin và khả năng tiếp cận thị trường... Ngược lại, các ông chủ nhà băng cũng buông không ít tiếng thở vắn than dài (?!). Theo họ, LS cơ bản của năm nay nên ở mức 8%-8,5%/năm là hợp lý, nếu giảm quá sâu thì các NH sẽ đối mặt với nguy cơ về tính thanh khoản do tiền không vào NH vì LS huy động không hấp dẫn.

Tuy nhiên, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính-Tiền tệ quốc gia, lại cho rằng không cần lo tiền nhàn rỗi của dân không chạy vào NH mà điều cần lưu ý là bảo vệ được người gửi tiền bằng cách giữ ổn định giá trị tiền tệ, tạo cung hàng hóa tăng lên để giá cả bình ổn, tạo thêm công ăn việc làm. Thậm chí theo ông, LS cơ bản nên giảm xuống còn 4%-6%/năm để LS cho vay tối đa còn 7%-9%/năm. Để làm được chuyện này, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục giảm dự trữ bắt buộc, mạnh tay “bơm” tiền cho hệ thống NH thông qua nghiệp vụ thị trường mở, cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu các loại giấy tờ có giá... với LS thấp.

Rõ ràng, chưa lúc nào yêu cầu sản xuất kinh doanh theo tín hiệu thị trường, theo quy luật cung cầu lại trở nên cấp thiết, trở thành nguyên tắc sống còn đối với các DN như hiện nay. Trước tình hình khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, năm 2009 này VN tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn và thách thức.

Để ngăn chặn suy giảm kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và tạo đà phát triển lâu dài, bên cạnh chính sách tiền tệ linh hoạt hơn thì các DN và NH phải thắt chặt hơn nữa mối quan hệ cộng sinh, “môi hở răng lạnh” vốn có của mình. Cả hai phải cùng nhìn về một hướng, cùng bám theo “nhịp đập” của thị trường để duy trì sự tồn tại và phát triển bền vững.

THÁI HOÀNG LIÊM

Tin cùng chuyên mục