Đổi rác lấy quà
Nhằm giảm thiểu lượng rác thải khó phân hủy ra môi trường, việc phân loại rác thải tại nguồn đã được chính quyền TPHCM triển khai trong hơn 1 năm qua. Tuy nhiên, khi đưa vào thực tiễn, vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn, do còn nhiều người thiếu ý thức tự giác, và cả do hạn chế về phương tiện và kỹ thuật thu gom, xử lý rác. Chương trình đổi rác lấy quà của các bạn trẻ ra đời, nhằm giải quyết một phần khó khăn mà người dân đang gặp phải, tăng giá trị sử dụng cho rác thải cũ.
Theo đó, với các loại rác thải như chai lọ thủy tinh, chai nhựa, giấy vụn, quần áo cũ, hay pin đã qua sử dụng, người dân có thể mang đến các địa điểm thu gom cố định, sẽ được nhận lại một món quà nhỏ như cây xanh, sen đá, sách báo, ống hút thân thiện môi trường. Ngoài ra, khi người dân có yêu cầu, các nhân viên, cộng tác viên của Doralaqua sẽ đến tận nhà để thu gom rác thải và trao quà tận tay, vào tất cả các ngày trong tuần.
Sau khi thu gom, quần áo cũ sẽ được làm sạch, phân loại, chọn ra các quần áo còn tốt gửi đến những tủ quần áo từ thiện. Sách giáo khoa cũ cũng được phân loại, chọn sách còn tốt vận chuyển đến tặng các em học sinh ở vùng cao, vùng khó khăn. Còn các loại chai lọ, rác thải điện tử, sẽ được tháo dỡ theo từng loại vật liệu, rồi đưa vào hệ thống xử lý chuyên biệt hoặc chuyển đến các cơ sở có khả năng tái chế.
Anh Vũ Ngọc Chiến (29 tuổi, ngụ tại quận 7), Trưởng nhóm Doralaqua, chia sẻ: “Vào cuối năm 2019, tôi có ý tưởng xây dựng chuỗi hoạt động đổi rác lấy quà ở TPHCM. Khi mới thành lập chỉ có 2 thành viên, chúng tôi phải tự bỏ tiền túi ra để tổ chức đi thu gom, mua quà tặng. Về sau, nhận thấy hoạt động này có ý nghĩa, nên cũng có một số nhà hảo tâm đã đóng góp, hỗ trợ. Ngoài ra, còn có một phần kinh phí hoạt động đến từ việc bán các sản phẩm tái chế. Thời gian tới, chúng tôi mong có thêm nhiều nhà tài trợ, nhiều người tham gia để chương trình đi nhanh hơn”.
Lan tỏa đến cộng đồng
Từ những lần mang rác đến đổi lấy quà tặng, nhiều người đã trở thành cộng tác viên cho nhóm Doralaqua, biến nhà mình thành điểm nhận đổi rác lấy quà. Tính đến nay, nhóm đã xây dựng được hàng trăm điểm liên kết, nhận đổi rác thải lấy quà tặng, trải dài từ TPHCM đến Hà Nội và nhận được sự ủng hộ, đón nhận của hàng ngàn người dân.
Bạn Huỳnh Mai Nguyên (24 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, một cộng tác viên của Doralaqua) cho biết: “Nhận thấy ý nghĩa của hoạt động này, nên mình tình nguyện tham gia thu gom rác, tuyên truyền bảo vệ môi trường đến tất cả mọi người. Bảo vệ môi trường chính là đang bảo vệ không gian sống của mỗi chúng ta, làm cho không gian trở nên thoáng đãng, dễ thở hơn. Thay đổi môi trường sống là chuyện lớn, lâu dài, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng, vì vậy mỗi cá nhân hãy có ý thức, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất có thể”.
Để mô hình lan tỏa rộng rãi, Doralaqua đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền ở các khu dân cư, nơi công cộng và thông qua mạng xã hội. Vận động nguồn quỹ xã hội hóa, kinh phí bán vật liệu tái chế, thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa như mua quà tặng, hỗ trợ sinh viên khó khăn, hỗ trợ các em nhỏ vùng cao...
Chị Trần Thị Bình (32 tuổi, ngụ tại quận 3) cảm nhận: “Tôi thấy hoạt động này có ý nghĩa thiết thực bảo vệ môi trường, nên nhân rộng mô hình. Lâu nay, với các loại rác thải sinh hoạt gia đình, như chai lọ thủy tinh, thiết bị điện tử hư hỏng, không biết phải xử lý như thế nào, nên tôi thường gom lại, bán cho các vựa ve chai, hoặc cho chung vào rác thải sinh hoạt để các xe rác mang đi tiêu hủy. Nếu có các điểm thu rác khó phân hủy gần nhà, tôi cũng sẽ phân loại và tham gia cùng các bạn trẻ. Làm được như vậy, môi trường sống mới sạch đẹp”.
Chương trình đổi rác lấy quà tặng đã được nhóm Doralaqua xây dựng từng bước đi cụ thể, có kế hoạch lâu dài, hướng tới thành lập 1.000 điểm nhận thu gom và đổi rác lấy quà trên khắp cả nước. Hiện tại, người dân có thể đổi rác lấy quà tặng tại nhiều điểm khác nhau. Tại TPHCM: UBND phường 9, quận 3; UBND phường 15, quận 4; UBND phường 17, quận Phú Nhuận; UBND phường 2, quận Bình Thạnh; Trung tâm MM Mega Market An Phú, quận 2). Tại Hà Nội: Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy; UBND phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm; UBND phường Quán Thánh, quận Ba Đình; UBND phường Thành Công, quận Ba Đình; Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (quận Cầu Giấy). |