Tôi rất tâm đắc ý kiến của Tổng giám đốc công ty BHD: “Nhìn từ góc độ kinh tế, điện ảnh với một số quốc gia giống như là các làng nghề thủ công nhỏ, tài năng, khéo léo... làm ra được một số sản phẩm mà thế giới ưa thích. Còn với một số ít các quốc gia (Mỹ, Hàn Quốc, Pháp...) điện ảnh đã là một ngành công nghiệp…”.
Thực vậy, điện ảnh Việt Nam hiện nay giống như một làng nghề tiểu thủ công nghiệp so với nền công nghiệp lớn của các nước có nền điện ảnh tiên tiến. Mà đã gọi là làng nghề thì mặt hàng thủ công ấy tất phải có sắc thái riêng không lẫn lộn với bất cứ nơi nào trên thế giới. Chính sắc thái ấy sẽ làm nên diện mạo của từng dân tộc, tạo chỗ đứng cho những nền điện ảnh nhỏ chen chân được trên các thị phần quốc tế. Nhưng tất nhiên bên cạnh đặc thù bản sắc dân tộc, yếu tố kỹ thuật vẫn là điều tiên quyết để thuyết phục được các đối tác. Bởi món hàng khi bước vào thị trường, bên cạnh nét đẹp tinh xảo và sự độc đáo còn phải bảo đảm chất lượng.
Ngay từ đầu thế kỷ XX, người Việt Nam đã tiếp xúc với phim ảnh và bắt đầu làm phim, nhưng suốt hơn 1 thế kỷ qua, điện ảnh Việt Nam vẫn loay hoay trong ao nhà mà không thể ra được biển lớn. Đây là vấn đề thuộc tầm vĩ mô, bởi muốn đưa được một sản phẩm làng nghề lên tầm công nghiệp không phải là chuyện của cá nhân mà là chiến lược của nhà nước. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là chuyện làm sao đưa sản phẩm làng nghề ra được biển lớn…
Đây cũng là vấn đề mà nhà sản xuất và đạo diễn hiện nay hướng tới vì họ hiểu rằng một bộ phim làm với kinh phí nhỏ như ta muốn được quốc tế chú ý phải mang hơi thở và diện mạo của Việt Nam. Và đó cũng chính là tiêu chí mà các nhà làm phim Iran hướng tới và đã thành công rực rỡ ở các Liên hoan phim quốc tế. Hơn ai hết, đạo diễn Việt Linh đã tìm thấy ở Chùa đàn của nhà văn Nguyễn Tuân những nét kỳ bí có thể mê hoặc được người nước ngoài bằng tiếng đàn đáy và giọng ca trù quyến rũ đặc trưng của dân tộc Việt để chuyển thành Mê thảo thời vang bóng, và đi chào bán được cho 2 nơi, một ở Mỹ (60.000 USD), một ở Nhật (80.000 USD). Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Vinh Sơn khai thác nét cổ kính của Huế và vấn đề tâm linh với những điệu múa chầu văn cũng đã gây được hiệu ứng ở các Liên hoan phim quốc tế và cũng bán được cho 3 nơi với số tiền mang tính hỗ trợ là 20.000 USD.
Nhưng có lẽ thành công nhất và làm nức lòng các nhà sản xuất phim trong nước chính là bộ phim Dòng máu anh hùng của đạo diễn Việt kiều Charlie Nguyễn khi được nhà phát hành Weisteins.Co mua bản quyền phát hành độc quyền với giá 1,5 triệu USD. Để mở được cửa Hollywood, các nhà làm phim là những người đã từng làm việc và tiếp xúc với môi trường này nên họ biết cái gì có thể hấp dẫn được người Mỹ, đó chính là bối cảnh, con người và võ thuật Việt Nam. Hollywood sẽ không mặn mà với Mê thảo và Trăng nơi đáy giếng nhưng chính những màn võ thuật đặc trưng Việt Nam sẽ cuốn hút họ. Nhưng để đưa được sản phẩm của mình ra thế giới thì vấn đề tiên yếu là quảng bá được bộ phim đến các nhà phát hành nước ngoài.
Dòng máu anh hùng là bộ phim đầu tiên của Việt Nam có trailer và poster quảng cáo trên trang web: IMDB.com của Mỹ và được chiếu khai mạc Đại hội điện ảnh Việt Nam quốc tế tại California (Mỹ) ngày 14-4-2007 trước khi phát hành ở Việt Nam. Tiếp sau sự thành công của Dòng máu anh hùng là Bẫy rồng và Để Mai tính…
Riêng Để Mai tính doanh thu ngay thị trường Mỹ tương đương 3 tỷ đồng được coi là thành công lớn. Điều đó đã kéo theo nhiều hy vọng cho các làng nghề khác, bởi kinh phí làm phim ở nước ta cao lắm là chỉ hơn 1 triệu USD, không thể nào so được với những bộ phim bom tấn từ vài chục triệu đến vài trăm triệu USD đang ồ ạt nhập vào Việt Nam với con số chóng mặt hiện nay. Có thể nói trên mặt bằng rạp chiếu tại Việt Nam hiện nay, phim Mỹ chiếm lĩnh 95%, gần như tuần nào cũng có vài phim mới, phim Việt Nam gần như biến mất, chỉ ra rạp được vào những ngày lễ, tết. Sự mất cân bằng này không thể ngày một, ngày hai có thể thay đổi được, bởi vì hàng thủ công làm sao có thể đương cự nổi với hàng đại công nghiệp?
Nhưng vấn đề của “làng nghề” chúng ta hiện nay là phải tìm đường ra biển lớn, bởi nếu bộ phim làm ra chỉ loanh quanh chiếu trong nước chỉ với 50 rạp tập trung trên các thành phố lớn thì các nhà làm phim khó có thể thu hồi vốn để phát triển. Vì vậy, ngoài nội dung phim hấp dẫn đặc thù bản sắc dân tộc, kỹ thuật ngang tầm quốc tế chúng ta cần phải có sự thay đổi lớn về trình độ quản lý, giao tiếp và công tác quảng bá phim chuyên nghiệp...
NGÔ NGỌC NGŨ LONG