Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 240.000 người nhập cư từ các tỉnh về TPHCM. Năm 2004, TPHCM có khoảng 5,8 triệu dân, hơn 1 triệu dân nhập cư. Đến nay, TPHCM có hơn 8 triệu dân và hơn 1 triệu dân vãng lai. Người dân từ các tỉnh đổ về các đô thị lớn là một xu hướng tất yếu trong sự phát triển kinh tế, xã hội của bất kỳ đô thị nào. Tuy nhiên, với tốc độ tăng dân số như nêu trên, TPHCM phải chịu nhiều áp lực trong phát triển hạ tầng, kinh tế, xã hội. Do vậy, trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế TPHCM giai đoạn từ nay đến năm 2015, những ngành có thâm dụng lao động cao như dệt may, da giày sẽ giảm dần tỷ trọng sản xuất và xuất khẩu, thay vào đó là phát triển thương mại, dịch vụ.
Trong năm 2007, ngành dệt may dẫn đầu kim ngạch XK tại TPHCM, đạt 3,4 tỷ USD, chiếm 44% kim ngạch XK toàn ngành và chiếm gần 30% tổng kim ngạch XK của TPHCM.
Nhưng dự kiến đến năm 2010, kim ngạch XK của ngành dệt may TP ở khoảng 4,9 tỷ USD, tỷ trọng giảm còn 28% toàn ngành. Đây chỉ là bài toán đặt ra cho TPHCM nhằm giảm bớt lượng người nhập cư từ các tỉnh đổ về. Trên thực tế, ngành dệt may Việt Nam vẫn đang trên xu hướng phát triển tốt. Theo kế hoạch phát triển, đến năm 2010, nhu cầu lao động cho ngành dệt may sẽ tăng lên 2,5 triệu lao động, so với hơn 2 triệu lao động hiện nay. Ngành dệt may, da giày sẽ được chuyển về các tỉnh để tận dụng nguồn lao động dồi dào ở các địa phương.
Vừa qua, giá cả sinh hoạt tại các đô thị lớn ngày càng tăng cao, mục tiêu tích góp của người lao động ở tỉnh trở thành con số 0, công sức lao động chỉ đủ cầm cự, trang trải cho cuộc sống. Trước tình thế này, bài toán “hồi hương” đã được đặt ra với nhiều lao động ở tỉnh. Thực tế hiện nay, đã có số đông lao động ở TPHCM quyết định trở về quê “chờ thời”, hoặc có kế hoạch trở về làm việc tại các khu công nghiệp ở quê nhà. Xem ra, đây là một dấu hiệu tích cực, làm nhẹ bớt phần nào nỗi lo “quá tải” của các đô thị lớn. Và điều này cũng cho thấy rõ một xu hướng chuyển dịch lao động từ các thành phố lớn trở về lại các tỉnh; khi có rất nhiều khu công nghiệp tại các tỉnh miền Trung, ĐBSCL được đầu tư, đưa vào khai thác. Có thể, do sự chuyển dịch này mà nhiều ngành nghề tại TPHCM đều đang trong tình trạng thiếu lao động. Doanh nghiệp dệt may, da giày tại TPHCM vốn đã thiếu lao động, nay lại càng thiếu. Nhiều doanh nghiệp lớn, chế độ đãi ngộ khá cao, chưa bao giờ biết thiếu lao động, nhưng nay cũng đã “mất” đến 20% lao động.
Thực tế, lựa chọn “hồi hương” của nhiều lao động tỉnh hiện nay là hoàn toàn hợp lý và đúng đắn. Do có nhu cầu về lao động, nhiều doanh nghiệp dệt may đầu tư vào các tỉnh miền Trung đã đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ, thu hút lao động. Mặt bằng lương khoảng 1,2-1,4 triệu đồng/người/tháng cho công nhân ở tỉnh được xem là mức lương hấp dẫn được người lao động (mức lương trên ngang với mức trả lương của nhiều doanh nghiệp tại TPHCM hiện nay). Ngoài lợi thế được ở gần nhà, chi phí sinh hoạt ở tỉnh sẽ rẻ hơn ở thành phố, mức lương này đủ để người lao động tạm yên tâm. Hơn nữa, do có điều kiện về diện tích đất, nhiều doanh nghiệp ở miền Trung còn đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người sống ở xa khu công nghiệp có thể về thăm gia đình vào những ngày cuối tuần. Đây chính là yếu tố quan trọng, tạo động lực để người lao động ở tỉnh quyết định trở về quê làm việc trong thời gian gần đây. Bên cạnh thâm niên và tay nghề, lao động từ TP trở về tỉnh còn có thêm lợi thế về “tác phong công nghiệp”. Đây là tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp rất thích, rất muốn có ở công nhân.
MỸ HẠNH