Câu chuyện chủ nhật

Lấp đầy “vùng trũng”

Được tổ chức 2 năm 1 lần, Hội sách TP Cần Thơ năm nay mặc dù khai trương vào ngày đầu tuần nhưng lượng người tham quan, mua sắm khá đông với không khí đích thực là một ngày hội văn hóa lớn ở thủ phủ của ĐBSCL. Như nhiều người mong đợi, hội sách cũng là dịp “kích cầu” văn hóa đọc. Thế nhưng, một nhà văn lão làng khi gặp chúng tôi ngẫu nhiên chỉ thở dài phân bua về cách tổ chức hội sách “còn chưa khoa học, cái tên gọi vẫn chung chung về hội nhập, phát triển, cũng có nhiều anh em trẻ khá lắm nhưng còn chưa được coi trọng đúng tầm”. Tất nhiên, “đất có thổ công, sông có hà bá”, như lời trách ngầm của vị nhà văn có chức sắc này, nhưng nhìn rộng ra, nền văn học hiện tại của Tây Nam Bộ cũng chỉ có Nguyễn Ngọc Tư là tương đối nổi trội ở tầm quốc gia và phần nào được thế giới ghi nhận. Còn lại - thì giống như các địa phương khác - nhà văn, nhà thơ in và bán được tầm 1.000 bản/tác phẩm cũng đã là hiếm hoi. Cá biệt có một nhà thơ sống ở TP Mỹ Tho kể rằng, ông in tới 1.500 bản sách … và 2 năm nay đem đi tặng cũng chưa hết lượng sách tồn. “Mà đâu chỉ tặng không, còn phải tổ chức tiệc nhậu ký tặng nữa” - nhà thơ kiêm chủ quán nhậu cười rổn rảng nói, đúng chất hào sảng “ra đi gặp vịt cũng lùa…” của người dân miền Tây. Và trách ai trong thời buổi chuyển giao thế hệ, tuy “tre già” nhưng chưa thấy “măng mọc” và mọc ở đâu?

Dễ thấy ở khắp các làng xã miền sông nước, trong phong trào nông thôn mới cơi nới, cải tạo, xây mới đường, trường, chợ… có khá nhiều nhà văn hóa khang trang, kiên cố, được cất lên vội vàng. Song, đáng buồn là chỉ có cái vỏ, còn “hồn cốt” bên trong thì khá khiêm nhường…, chỉ là dăm ba cuốn tài liệu chính trị và thêm vài cây đàn guitar phím lõm cho có vẻ “đờn ca tài tử”. Nó giống với một cái sân hợp tác xã thời bao cấp thì đúng hơn. Người ta nói đến đô thị hóa, mặt trái của kinh tế thị trường, người trẻ bỏ quê đi xuất khẩu lao động, lấy chồng ngoại quốc, đi tìm việc làm ở TPHCM, Bình Dương… và ở quê còn lại chỉ rặt người già, người không thể ra đi vì còn chút chất quê hương ít ỏi phải giữ lại. Cái đó khá đúng, nhưng chưa phải tất cả, cũng còn đó một trào lưu “về nguồn”, về lại quê hương với tiềm năng phát triển, với chất lượng sống hơn hẳn các đại đô thị chen chúc, ngộp thở. Và câu hỏi ở lại hay đi xem ra vẫn còn nguyên tính thời sự, vẫn dằn vặt một tiếng thở dài như khi nghe tiếng hát “Tình anh bán chiếu”cất lên.

Phải nói rằng miền Tây hiện không thiếu người tài, kể cả trong lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật. Có thể kể đến cô gái gốc Trà Vinh Ngô Thanh Vân đang làm mưa, làm gió trên màn ảnh rộng với bom tấn phim hành động “Hai Phượng” có doanh thu kỷ lục hơn 200 tỷ đồng, nghĩa là còn hơn tiền bán cá tra của một công ty thủy sản lớn có hàng ngàn lao động. Hay như Huỳnh Lập, người gốc An Giang, đã là một tên tuổi lớn của ngành công nghiệp giải trí, chỉ cần gõ Gúc- gồ đã ra hàng triệu kết quả với các mỹ danh “đạo diễn triệu view”, “ông hoàng web-drama”. Chàng nghệ sĩ khiêm tốn này từng nổi tiếng với câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn bền thì phải đi chung”, đã chọn TPHCM làm mảnh đất để đột phá sự nghiệp sáng tạo và phải là TPHCM chứ không phải một nơi nào khác. Và bao giờ …cho đến quê hương? Một cô giáo giảng dạy về nghệ thuật có kể cho người viết về một học trò từng là phó đoàn văn công tỉnh, được cử đi học đạo diễn ở TPHCM rồi trở về quê nhà cống hiến. Nhưng vài tháng sau, tân đạo diễn đã khăn gói về lại TPHCM với lý do… không có đất diễn, không thể làm một cái gì đó có tính chất cách tân. Cô giáo cười buồn: “Cậu ta chấp nhận đền bù số tiền 300 triệu đồng tiền đào tạo và bây giờ sống khỏe, nhiều “sô”, “chậu” lắm!”.

Rõ ràng, địa phương nào có lãnh đạo mê văn nghệ, thực hiện đúng chỉ đạo đi đều cả hai chân, chân kinh tế và văn hóa, - như Thủ tướng Chính phủ từng nói,  thì đã không còn “vùng trũng” văn hóa. Có thể kể đến tỉnh Vĩnh Long với một đài truyền hình có nội dung, sức hút và doanh thu chỉ thua đài trung ương VTV, hoặc giả như đài Đồng Tháp từng nổi tiếng với mục tiêu dành 30 tỉ đồng đầu tư cho văn hóa nghệ thuật cho đến năm 2030, đã khởi sắc trong lĩnh vực nhiếp ảnh, sân khấu, nhờ vào sáng kiến lập các hội quán, nơi mà bí thư, chủ tịch tỉnh cùng ngồi uống cà phê sáng với người dân để nghe dân, nắm bắt nguyện vọng của dân, cùng dân tháo gỡ những bất đồng, khó khăn, đúng nghĩa “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và “dân được hưởng thụ”.

Hội sách TP Cần Thơ 2019 mới chỉ là một viên đá ném xuống ao văn hóa, nhưng tiếng vọng của nó chắc còn kéo dài, ít nhất đến mùa hội sau. Cũng nhà văn Cần Thơ nói trên ngắm cảnh người người mua sách giảm giá đến 80% ở gian hàng TIKI, đã ngẩn ngơ nói rằng đời người chỉ cần đọc 30 cuốn sách là đủ, nhiều hơn thì càng tốt nữa. Âu cũng đúng, chỉ cần mỗi gia đình có một tủ sách 30 cuốn sách thì sẽ bớt đi nhiều nhà tù, bớt đi nhiều trại cai nghiện ma túy, bớt đi các quán nhậu; còn mảnh đất miền Tây nghĩa tình sẽ thoát khỏi nỗi niềm “vùng trũng” văn hóa - giáo dục.

Tin cùng chuyên mục