Lễ hội Áo dài TPHCM: Được xây dựng thành sản phẩm du lịch văn hóa mang tầm quốc tế

Lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 8 năm 2022 được tổ chức trong không khí rộn ràng chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và trong bối cảnh các hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội đang trở lại trong trạng thái bình thường mới là thành quả đáng trân trọng của chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ và chính quyền thành phố. 
Hoa hậu H’Hen Niê và Á hậu Nguyễn Huỳnh Kim Duyên cùng các nghệ sĩ quảng bá cho Lễ hội Áo dài TPHCM
Hoa hậu H’Hen Niê và Á hậu Nguyễn Huỳnh Kim Duyên cùng các nghệ sĩ quảng bá cho Lễ hội Áo dài TPHCM

Qua 8 lần tổ chức, Lễ hội Áo dài thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định là một trong những sự kiện du lịch văn hóa đặc sắc, tạo được dấu ấn riêng trong lòng công chúng và du khách trong, ngoài nước. Liên tục mở rộng quy mô, nội dung phong phú và luôn luôn có yếu tố mới qua từng kỳ tổ chức là một trong những thành công của Lễ hội Áo dài thành phố Hồ Chí Minh. 

Lễ hội Áo dài năm 2022 không chỉ có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành du lịch mà còn ghi dấu thành quả của thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng chống dịch bệnh, đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới. Lễ hội Áo dài năm 2022 cũng đã tôn vinh sự đóng góp to lớn của các lực lượng tuyến đầu chống dịch cùng cộng đồng người dân cả nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài thông qua  sự tham gia biểu diễn của các nữ y bác sĩ, các nữ doanh nhân và các chị đại diện Hội Phụ nữ Việt Nam ở các nước. 

Các nghệ sĩ, người dân quảng bá áo dài trên xe buýt 2 tầng

Được tổ chức ngay trong bối cảnh toàn cầu đang dần trở lại đời sống bình thường sau dịch bệnh, Lễ hội Áo dài năm 2022 còn là sự kiện góp phần khẳng định quyết tâm của TPHCM trong việc tái khôi phục và phát triển sau dịch bệnh, giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế một TPHCM sống động và hiện đại, một điểm đến hấp dẫn và an toàn.

Lễ hội cũng là một minh chứng sinh động cho nội lực, sức sống mãnh liệt, sự đồng lòng, tinh thần sẵn sàng và niềm tin ở tương lai của TPHCM. Đồng thời, lễ hội khẳng định sự trở lại mạnh mẽ và nhanh chóng của ngành du lịch, bồi đắp thêm niềm tin về sự thành công trong hành trình xây dựng thành phố trở thành “Đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á” như nhận định của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng.

Đoàn diễu hành qua khu vực công viên bến Bạch Đằng

Không chỉ dừng ở quy mô Lễ hội Áo dài lớn nhất nước, Lễ hội Áo dài thành phố Hồ Chí Minh còn được định hướng trở thành sự kiện du lịch văn hóa mang tầm quốc tế nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa và nét đẹp độc đáo của áo dài Việt Nam ra thế giới.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, để thực hiện định hướng trên, tại lễ hội lần này, Ban tổ chức đã trân trọng sự tham gia làm đại sứ Lễ hội của ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ, kiêm nhiệm Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal và Vương quốc Bhutan; bà Hồ Thị Thanh Trúc, Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka, kiêm nhiệm Cộng hòa Maldives; các thí sinh cuộc thi Miss Charm 2022. Với tình yêu áo dài, vị trí, vai trò, hoạt động và tầm ảnh hưởng của các “đại sứ đặc biệt” này, hình ảnh áo dài Việt Nam nói chung và Lễ hội Áo dài thành phố Hồ Chí Minh nói riêng được kỳ vọng sẽ được lan tỏa tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Người dân mặc áo dài đạp xe tại phố đi bộ Nguyễn Huệ

Lễ hội còn là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động “TPHCM chào đón bạn” nhằm chuẩn bị cho thời điểm mở cửa du lịch hoàn toàn.  Chuỗi hoạt động đuợc chuẩn bị với các nhóm giải pháp về truyền thông, sản phẩm, sự kiện, cơ chế, chính sách với mong muốn du khách cảm nhận được tình cảm, lòng hiếu khách, sự an toàn và hấp dẫn của điểm đến Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.

Tin cùng chuyên mục